Header Ads

Header ADS

Câu lạc bộ Truyền hình - nơi tình yêu bắt đầu

Tôi và Câu lạc bộ

Năm 2014, tôi vào học ngành Báo chí – truyền thông tại trường CD PTTH II. Tất cả mọi thứ với tôi lúc này đều rất mông lung. Tôi luôn tự hỏi rằng mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp? Cơ quan nào sẽ nhận tôi vào làm? Tôi bi quan như vậy không phải là không có lí do, các thầy cô trước khi dạy chúng tôi đều đã làm công tác tư tưởng rằng học xong chúng tôi sẽ rất khó tìm việc tại các tòa soạn, trừ khi chúng tôi phải thật giỏi. Phần vì làng báo đã quá đông đúc nên chúng tôi sẽ phải cạnh tranh rất nhiều, phần vì những tòa báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, HTV… tuyển người rất gắt gao, mà gia đình tôi thì tiền không có, quan hệ cũng không. Tôi thì lại lớn rồi, tôi học trễ nên lớn hơn các bạn cùng khóa. Cùng lứa với tôi các bạn đều đã ra trường, còn tôi thì giờ mới bắt đầu lồm cồm đi học.
Hai năm sau, tôi được cô Cù Thị Thanh Huyền, lúc này là giảng viên môn Ngôn ngữ báo chí giới thiệu đến với Câu lạc bộ truyền hình báo Tuổi trẻ. Chúng tôi háo hức lắm, chưa biết đến đó sẽ được gì, nhưng được vào Tuổi trẻ tham quan thì đã là tuyệt lắm rồi.
Hôm ấy, số lượng thành viên đến CLB rất đông, phải hơn trăm bạn. Ở đây, chúng tôi được nghe chị Minh Thùy – chủ nhiệm CLB hướng dẫn cách làm nghề, về cả kĩ thuật quay, cách viết lời bình vv… Rồi chị dặn lần sau đi sinh hoạt nhớ mang phim thô lên nhận xét. Phải nói lúc ấy tôi và mọi người đều hào hứng, tôi chạy một mạch về chuẩn bị máy móc lên đường chiến trận chiến đầu đời.
Một tuần sau, tôi mang đến CLB những đoạn phim quay tại bv Ung Bướu, bv Nhi Đồng và bv Nhiệt Đới. Tất cả phim tôi đều quay vào khoảng 1-2h khuya, vì lúc này tôi mới có thể cầm máy đi khắp các ngóc ngách trong bệnh viện. Và đương nhiên, lần đầu tiên đi quay của tôi bị mấy anh chị trong CLB mổ xẻ, cười nghiêng ngả ( mà bây giờ nhìn lại tôi cũng bật cười, chẳng biết tại sao mình lại quay được những thước phim như vậy). Ấy vậy mà từ hôm ấy, tôi biết rằng mình không được chĩa thẳng máy quay vào bồn cầu toilet, không quay những thứ quá nhạy cảm, không đặt những câu phỏng vấn quá hoa mỹ… Và tôi biết, đằng sau những lời chê trách ấy là tình thương dành cho một thế hệ đi sau.


Tôi chạm tay vào nghề

Lúc ấy, các bạn tham gia CLB cùng đợt với tôi ngừng tham gia CLB rất nhiều. Lí do là đề tài các bạn ấy báo lên không được duyệt để đi làm cho báo. Không được duyệt cũng đúng thôi, đầu óc của sinh viên bọn tôi làm sao bằng được đầu óc của người biên tập kinh nghiệm hơn 20 năm. Tôi nhớ có lần mình báo đề tài về cà phê chòi, quán nằm sát trường học và các em học sinh cấp 2 thì vẫn vô tư dắt nhau vào thuê chòi mà trên người vẫn mặc đồng phục. Tôi chắc mẫm đề tài này sẽ được duyệt vì nó khá thời sự. Thế nhưng không! Chị Minh Thùy đã gạt đề tài của tôi tại buổi sinh hoạt CLB vì lí do: “ Nếu em muốn làm phóng sự này cho Tuổi trẻ thì phải có câu chuyện, đồng nghĩa với việc em phải quay được học sinh, quần áo đồng phục, phù hiệu và làm thật sáng tỏ câu chuyện. Mà như thế thì cuộc đời của các em học sinh ấy xem như đi vào ngõ cụt vì chúng sẽ bị đuổi học, sẽ lông bông và sẽ gây hại về sau. Em nên tìm hướng tiếp cận khác sao cho nhân văn hơn.”
Đó là lần đầu tôi biết làm báo không chỉ cần tin bài, mà còn cần sự nhân văn, cần có tấm lòng và cần cả cái tâm nữa. Thế là tôi quyết định gắn bó với CLB truyền hình. Dù không gởi được tin bài cho Tuổi trẻ đi nữa tôi vẫn sẽ ở lại để học làm nghề, và học cách làm nghề có tâm từ các anh chị.
Rồi những cố gắng của tôi cũng không bị uổng phí. Tôi đã được duyệt đề tài và có phóng sự điều tra đầu tay của mình dù có nhiều trắc trở trong lúc thực hiện. Và với sự nhiệt tình của các anh Đình Khánh, Văn Bình, Vy Chiến, Thanh Huy, tôi đã bước được một vài ngón chân vào nghề. Đó thật sự là một điều tuyệt vời với tôi, vì trước đây tôi còn không biết phải gởi tin bài cho các báo nhỏ thế nào chứ đừng nói là có phóng sự phát trên Tuổi trẻ.
Rồi tin bài của tôi cũng dần xuất hiện nhiều hơn. Các anh chị trong cơ quan cũng biết tôi, tôi đã có thể tự lên tòa soạn báo đề tài với các anh chị biên tập và tự đi làm. Cũng nhờ CLB mà tôi đã có thể làm việc cho báo Tuổi trẻ, một tờ báo tôi từng mơ ước.


Chuyện xin việc và giá trị của việc bị gạt đề tài

Đầu năm nay tôi được hai cơ quan gọi đi phỏng vấn. Tôi cũng khá hồi hộp nhưng tôi đã cố tự sướng rằng mình làm tin bài được cho Tuổi trẻ thì những chỗ khác sẽ được, không sao đâu, vậy là tôi yên tâm hơn. Vào phòng phỏng vấn, người phỏng vấn đặt rất nhiều câu hỏi cho tôi, trong đó có đoạn:
Chị: Em biết dựng phim không?
Tôi: Dạ biết!
Chị: Vậy nếu đi quay ở hiện trường về mà ánh sáng có vấn đề, âm thanh quá ồn thì em xử lí thế nào?
Tôi: Em không xử lí, người phóng viên phải chỉnh chu từng khung hình, phải cố gắng lấy âm thanh và ánh sáng tốt nhất từ hiện trường, không phải ra  đó quay thấy ghê rồi về quăng cho dựng phim được!
Ôi! Ra khỏi phòng phỏng vấn mà tôi hết hồn, phải mà là tôi của mấy năm trước chắc không đủ bản lĩnh để nói chuyện kiểu ấy đâu! Thế nhưng “ Chỉnh chu”, hai từ ấy tôi đã học được từ CLB, đó là điều mà chị Minh Thùy và các anh chị lớn đã dạy bọn tôi, hầu như mỗi buổi sinh hoạt chúng tôi đều nghe.
Tại cơ quan thứ 2, đây là một đài lớn và tôi chỉ đi phỏng vấn thôi chứ không nghĩ rằng mình đậu. Tại đấy, họ đưa cho tôi một bài báo đã bị bộ tuýt còi và phạt nặng với yêu cầu “Anh hãy biên tập lại sao cho bài báo này có thể dùng được”. Các ứng viên khác ngồi cặm cụi làm, chúng tôi có 1 tiếng. Nhưng tôi thì chỉ cần 15 phút đã hoàn thành bài thi. Tôi nói rằng nếu tôi là biên tập, tôi sẽ gạt thẳng bài viết này vì nó không đáng được đăng, nó sai hoàn toàn về tư tưởng nên biên tập đường nào cũng chết. Hành động cố gắng biên tập để ráng đăng là hoàn toàn không nên. Tôi viết vào bài thi bằng đúng cách mà chị Minh Thùy hay nói khi gạt bài tôi!
Và rồi mấy ngày sau tôi được nhận vào đài. Tôi thật sự bất ngờ vì không tin được mình được nhận làm việc cho đài quốc gia. Thật sự tôi cũng không biết phải nói như thế nào, chỉ biết nói tôi cảm ơn CLB rất nhiều. Cảm ơn từng câu nhận xét về khung hình, về câu hình, nội dung; cảm ơn những hướng dẫn triển khai đề tài, cảm ơn những lần ngợi khen và chê trách.

 Thật sự ra em không phải là đứa sến sẫm, khi chị Thùy bảo em viết bài về CLB em đã không biết nên nói gì, em chỉ nghĩ rằng mình luôn mang ơn những người thầy không đứng trên bục giảng của mình, những người mang mình đến với nghề. Cảm ơn CLB truyền hình, các anh ĐK, VB, VC, TH và đặc biệt là chị Minh Thùy. Xin chúc mọi người mãi là những nhà  báo tuyệt vời nhất!


Cao Trí
Được tạo bởi Blogger.