Header Ads

Header ADS

Mười năm qua tôi đã làm điều đó như thế nào?



Chỉ vì lời hứa với một người anh ở Tuổi Trẻ là “sẽ làm cho cái ô media trên Tuổi Trẻ online không còn là trang “Cây nhà lá vườn” nữa” mà mình bỏ nhà bỏ cửa, bỏ quê hương, bỏ vai trò Bí thư Đoàn cơ sở, bỏ vị trí phó trưởng phòng chuyên mục chuyên đề của Đài PTTH BP, và vài “cái ghế” kiêm nhiệm ở tỉnh, ở Đài để về rừng.

Theo bạn Thi Ngôn, phóng viên đầu tiên của phòng truyền hình báo Tuổi Trẻ thì Sinh nhật "TVO" là ngày 01.12.2005, hồi đó ăn sinh nhật theo ngày này, năm 2007.

Lúc đó, phòng truyền hình có một trưởng phòng (anh Hoài Lê – nguyên là Biên tập viên trang thể thao), một phó phòng (anh Nguyễn Chương – từ ban HVVN sang – anh Chương học trường Đại học sân khấu điện ảnh chung khóa với mình), một phóng viên (Thi Ngôn - Ban thanh niên), vài CTV (Anh Đào, Sanh Tài, Hữu Hạnh, Nguyễn Bình, Quốc Bình, Nguyễn Toàn, Văn Bường, Mai Thy). 



MC cũng săn tay áo vào sếp xếp bàn ghế lấy chỗ quay phim. Hình chụp ngày 04.11.2007

 Chuẩn bị "trường quay". 

Mình được hối thúc về sớm để xây dựng trang ở vị trí BTV và sẽ “sớm bù đắp cho em khỏi thiệt thòi”. Anh Thế Hưng, lúc đó là cán bộ Phòng TCNS nói rằng do anh HL muốn mình về ngay nên xử lý bằng cách mình xin nghỉ ở chỗ cũ, dưới này ký tiếp hợp đồng dài hạn. Nếu để đến đầu năm sau (mình về ngày 01.10.2007) thì làm thủ tục chuyển biên chế.
Lúc đó, mình nói với anh Hưng là, mình đã bỏ hết mọi thứ ở trên kia để xuống đây thì ít nhất mình cần có …đủ cơm ăn ngày ba bữa, hai bộ áo quần thay đổi để đi làm, và tiền thuê nhà. Mình không thể xuống đây làm mà ngửa tay xin tiền bố mẹ được trong khi ở trên kia mình đã có nhà, có xe và nhiều thứ khác. Anh Hưng cười bảo rằng “dư em ạ”. Thế là mình làm.
Lúc ấy, phòng truyền hình chỉ có một cái ô nhỏ đính kèm trên trang Tuổi Trẻ onine. Nhưng chúng mình cũng làm được một Bản tin tổng hợp phát thứ 2 hàng tuần có MC dẫn đàng hoàng. MC lúc đó có Việt Phong, Kim Hiền…

Quay phim Quốc Bình và Đạo diễn kiêm biên tập Minh Thùy

Lúc ấy, chương trình chủ yếu do người của phòng truyền hình tổ chức thực hiện là chính. Nhưng như vậy tin tức không phong phú. Sản phẩm phát trên trang chủ yếu là thỏa mãn sự đam mê làm truyền hình của những người quen làm báo in là chính.
Vì có mình mình là dân làm truyền hình chuyên nghiệp lâu năm nên mình được giao làm hầu hết các kế hoạch phát triển của trang truyền hình. Từ kế hoạch hoạt động, cải tiến trang, thiết kế nội dung chương trình, kế hoạch tuyển dựng phim (những kỹ thuật dựng được tuyển theo kế hoạch này có Thanh Thảo, Hồng Đức. Họ vẫn gắn bó đến nay.), tuyển quay phim (Hải Triều), mở lớp tập huấn kỹ năng quay phim, xây dựng câu lạc bộ truyền hình…
Sinh hoạt dã ngoại là một trong những nội dung của sinh hoạt của CLB TH 
 Tại Đầm Sen ngày 19.06.2011

Phải nói rằng anh Xuân Trung là người rất nhạy với truyền thông mới. Sau này làm nghiên cứu mình được biết, truyền thông đa phương tiện vào Việt Nam khoảng năm 2005 thì đến năm 2008 báo Tuổi Trẻ tập huấn kỹ năng quay phim cho đội ngũ làm báo in. Việc trang bị kỹ năng này giúp họ hội nhập với thời đại truyền thông đa phương tiện mà lúc đó còn manh mún ở Việt Nam.

Nếu bạn vẽ lên tờ giấy trắng thì các nét vẽ sẽ theo ý bạn. Nhưng nếu bạn vẽ lên tờ giấy đã có nhiều nét vẽ rồi thì việc uốn nắn là cực kỳ khó. Chưa kể những “trang giấy” mà bạn vẽ là những trang đã có thâm niên trong những nét vẽ khác.
Thời điểm đó không có áp lực về chương trình, thời lượng. Chủ yếu tổ chức được cái gì, phát cái đó. Mình tập trung vào trang bị kỹ năng làm truyền hình cho anh em làm nghề của cơ quan trên cả nước. 


Tập huấn làm truyền hình cho phóng viên, CTV tại khu vực miền Trung tháng 11.2012

Mỗi loại hình báo chí có một đặc điểm khai thác và thể hiện khác nhau. Với những người làm báo in, họ nắm thông tin xong, chụp vài kiểu hình, thậm chí không bố cục hình chuẩn luôn (ở nhà đã có BTV ảnh cắt cúp cho rồi). Sản phẩm của họ có thể là cả ngàn chữ, với vài tấm hình, thậm chí chỉ cần 1 tấm hình là xong. Nhưng với truyền hình thì khác. Chỉ một câu lời bình có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ thôi bạn phải quay ít nhất 3 đọan phim.
Và mình, đã từng nhận một tác phẩm dài …8 trang A4 (5 kỳ trên báo in), hơn 300 phút hình. Nhưng vấn đề là phim được quay chủ yếu là …1 góc máy, một khung hình kéo dài chừng …vài chục phút. Lúc đó còn rảnh nên mình đã kiên trì ngồi xem từng giây hình, chọn ra những đoạn phim (3 giây) ổn nhất ghép lại. Đọc toàn bộ nội dung rồi …viết lại một cái tin dưới 60 giây. Cái tin được phát mình gửi link cho tác giả và gõ kèm theo bài góp ý. Về sau gặp nhiều trường hợp tương tự nên mình soạn sẵn một cái mail hướng dẫn cách quay, bố cục khung hình, phân chia bối cảnh, câu hình, tổ chức hiện trường, cách viết lời bình và cả cách trình bày văn bản truyền hình kèm báo cáo ghi hình. Sau đó, mình gửi cái thư này đính kèm file văn bản tạm gọi là mẫu cho tất cả những anh chị trong cả nước đang làm tin bài cho phòng truyền hình để họ làm theo. Đồng thời, mình lưu lại cái thư này để mỗi khi gặp trường hợp tương tự là mình lại gửi nó đi. Để làm tốt công việc mình đã thuê một phòng ở …ngay trước cửa cơ quan. Cách cơ quan đúng một con đường rộng vài mét. 6h sáng mình đã vào cơ quan làm việc có khi đến 11h đêm mới về chỉ để ngủ.

Người quản lý phòng truyền hình lúc đó khá bận, ít có mặt trong phòng, nhưng được cái tin tưởng mình và giao gần như hết mọi việc cho mình xử lý. Vì vậy, mình thường xuyên liên lạc để xin ý kiến, có khi nhắn tin qua điện thoại, yahoo, viber, mail. Cuối mỗi ngày mình lại viết một cái mail báo cáo tình hình hoạt động trong phòng, các việc đã xử lý và những việc cần xin ý kiến. Vì người quản lý không có trong phòng nên mình đã nghĩ ra các nội qui, qui định trình cho ông xem và ký vào dán ở trong phòng cho những người khác chấp hành để công việc được suông sẻ. Tự nhiên mình thấy cảm ơn quãng thời gian làm Bí thư đoàn cơ sở và Trưởng ban nữ công ở Đài ghê gớm, vì tiếp xúc với nhiều loại văn bản, qui định, nội qui mà mình áp dụng vào thực tế để thiết kế cho hợp lý.

Mình về báo không được bao lâu thì được cử đi học cử nhân chính trị. Dù cử đi nhưng vẫn phải thi đầu vào. Không biết sao mình đậu cùng với 2 người nữa ở báo. Dù đi học nhưng mình cũng vẫn phải đảm bảo công việc là tổ chức triển khai và xử lý các đề tài phát trên trang. Thậm chí đến quí 2/2009 thì chúng mình phải làm tin bán cho đài Đồng Nai, sau đó là 3G của Viettel nên hầu như ngày nào lên lớp mình cũng làm việc trên nhiều cửa sổ của máy tính. Cửa sổ văn bản để gõ nội dung bài giảng của thầy cô (đính kèm máy ghi âm), cửa sổ yahoo chat để triển khai và tổ chức thực hiện đề tài, cửa sổ mail để nhận tin bài ngồi biên tập, cửa sổ ftp để nhận thành phẩm về duyệt (có tai nghe. Hehe).

Ngồi bên cạnh mình luôn luôn là chị Ngô Hồng, lúc đó là Phó giám đốc Trung tâm tin tức của HTV, bây giờ là Trưởng ban chương trình của HTV. Cho đến giờ mình vẫn không biết vì sao chị ấy rất tử tế với mình (chuyện tử tế này mình sẽ viết trong một bài khác vì nhiều lắm). Thấy mình làm việc như vậy nên khi HTV mở ra chương trình 60 Giây chị đã sang báo Tuổi Trẻ tìm mình. Tất nhiên là mình đã tư vấn cho chị đi “đúng quy trình”. Sau đó thì báo Tuổi Trẻ và HTV ký kết hợp đồng cung cấp tin cho 60 giây. Có những thời điểm tin của Tuổi Trẻ chiếm đến 90% tin trong nước phát trên 60 Giây. Đây là bản tin chính luận có số người xem cao nhất so với tất cả các chương trình chính luận trên các đài nói chung và so với tất cả các chương trình phát trên HTV nói riêng.
Trước khi cung cấp thông tin cho 60s chúng mình còn cung cấp tin cho 3G của Viettel. Mối Lương duyên này tuy ngắn nhưng cũng đã đem về thu nhập bước đầu cho phòng truyền hình để đỡ mang tiếng là “bộ phận được bao cấp” của TT. Cùng thời điểm với 60s thì các sản phẩm truyền hình của báo Tuổi Trẻ còn thường xuyên xuất hiện trên VTV1, VTV3, VTV6, VTC14, O2TV, ANTV, Vĩnh Long.

Sen là loài hoa mà mình thích nhất. Những bông hoa sen này được các anh em đồng nghiệp ở miền Trung gửi tặng.

Người khác thế nàomình không biết, nhưng với mình được làm việc như cá về với nước vậy. Có thể bạn không tin nhưng đây là sự thật.
Năm 2008 mình xây dựng xong kế hoạch thành lập CLB TH và được phân công làm chủ nhiệm cho đến nay luôn. Từ CLB này mình đã “cầm tay chỉ việc” cho rất nhiều bạn trẻ đam mê làm báo hình. Họ bây giờ không chỉ làm ở Tuổi Trẻ như Đình Khánh, Thanh Huy, Vy Chiến, Văn Bình, Tường Hân, Đức Trong…mà còn làm ở nhiều cơ quan báo chí khác trong cả nước như Trang Trần (Đài PTTH Kiên Giang), Hoàng Linh (Đài Quảng Bình), Mai Linh (Cát Tiên Sa), Duy Tín (Zing.vn), Trần Vũ Em (Chuyển động 24h), Vùng Vịnh, Nguyễn Tóp (An ninh TV), Cao Trí (VOV)…CLB như đứa con tinh thần đến tận bây giờ vẫn làm cho mình cảm thấy hạnh phúc mỗi khi tổ chức sinh hoạt với các em.


Live stream được áp dụng trong sinh hoạt để cập nhật thông tin trực tiếp cho những thành viên không đến tập trung được.

Được làm việc, được sáng tạo với mình là một điều hạnh phúc. Thế nên, có những lúc mình…nằm trên giường hồi sức sau mổ ruột thừa vẫn triển khai tin bài, biên tập và duyệt thành phẩm như thường; mùa xuân năm 2010 Hà Nội lạnh cắt da, mình ra đó để làm phim tài liệu Người truyền lửa. Những lúc ngồi trên xe ô tô di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác là lúc mình biên tập và duyệt tin bài, máy bay hoãn chuyến với mọi người là sự bực dọc nhưng với mình là …may quá vì có thêm 10 phút để biên tập cho xong cái bài gửi về cho phát thanh viên đọc, kỹ thuật dựng, và trong 2 tiếng mình bay trên trời thì kỹ thuật dựng xong, đáp chuyến bay mình về thẳng cơ quan và …duyệt thành phẩm. Đám cưới em gái út tổ chức ở Đà Nẵng mình vẫn tham gia và cũng vẫn…xử lý tin bài ở cơ quan (tất nhiên là nhờ mạng Internet).
Mình là người không chịu tụt hậu nên mình xin đi dạy. Đi dạy với mình vừa là chia sẻ kính nghiệm mình có vừa là cập nhật thông tin, cách làm và cả suy nghĩ mới của thế hệ sau. Ở nhà hoài sẽ không nắm bắt thực tế được nên thỉnh thoảng mình hay xin đi. Và vì luôn kèm theo câu xin đi là “Em đảm bảo chương trình vẫn hoạt động bình thường” nên mình mới được đi. Kỳ thực, mình cảm ơn các đồng nghiệp ở nhà nhiều lắm, nhất là bộ phận dựng phim và đọc lời bình. Họ hỗ trợ hết mình nên mình có thể hoàn thành nhiệm vụ và đạt được ý nguyện tiếp cận hiện trường thực tế để sống với hơi thở của thời đại.
Đầu năm 2008 khi câu chuyện ở Trường Sa nóng lên, cơ quan cử một quay phim ở phòng truyền hình tham gia chuyến công tác ra Trường Sa chúc Tết. Tất cả các quay phim của phòng truyền hình lúc đó đều bận, không ai có thể đi. Thế là mình bấm điện thoại đề xuất “Em vừa quay, vừa viết được, cho em đi!”. Chuyến đi tròm trèm 1 tháng lênh đên trên biển qua 14 đảo và điểm đảo đó cho mình một khám phá mới về bản thân là …không bị say sóng biển. Chuyến đi ấy mình làm được 8 phóng sự với những góc khai thác rất riêng theo phong cách của Tuổi Trẻ. Mà mấy năm sau vẫn bán được cho các đài khi có hợp đồng. Cũng từ chuyến đi “trám chỗ” ấy mà sau này mình có cơ hội được đi nhiều chuyến biển rất đặc biệt (Cũng sẽ nói trong những bài khác). Và tên gọi “Hoa hậu Nhà giàn” hay “Người đẹp Trường Sa” cũng dính chặt lấy mình cho đến tận bây giờ.
Hồi đó, Liên hoan truyền hình toàn quốc là sân chơi của những người làm truyền hình chuyên nghiệp được tổ chức hàng năm. Mình mới về báo in nhưng có làm truyền hình nên vẫn nhớ không khí của liên hoan. Năm đó, sẵn có bộ phim mình vừa tham gia làm xong dự liên hoan phim ung thư quốc tế được chọn nên mình mạnh dạn đề xuất cho đem phim này dự liên hoan truyền hình toàn quốc luôn. Được đồng ý thì mình gửi phim đi cho …đỡ nhớ thôi nhưng phim "Ước mơ của Thúy" đã đem về cái huy chương vàng đầu tiên cho phòng truyền hình của báo Tuổi Trẻ.
Nhưng khi cái huy chương vàng này xuất hiện thì cũng là lúc “thế giới” biết được có một tờ báo in đang làm truyền hình. Một số việc đã xảy ra ví dụ như bản tin hàng tuần kết thúc. Lúc đó, kế hoạch xây dựng bản tin phát hàng ngày mà mình viết đành xếp lại. Kế hoạch, mở và thực hiện các chuyên mục trên trang cũng dừng luôn. Dẫu vậy, bây giờ thỉnh thoảng đọc lại những ấp ủ mà này đó mình xây dựng thấy “lửa” vẫn sôi lên ngùn ngụt.
Mỗi cuối năm dọn dẹp ổ cứng lại thấy những kế hoạch, những dự án đã từng xây dựng, ấp ủ và chia sẻ, để rồi ngậm ngùi khi nhớ có những khi tâm huyết của mình được quăng vào khung thành cho kẻ đứng sẵn chụp và ghi bàn thôi. Cuộc sống thế mới là hay!
Mình vốn là người thích làm việc. Với mọi người thư giãn có thể là đi du lịch, đi chơi hay mua sắm, xem phim, ăn uống…nhưng với mình, thư giãn cũng là công việc. Ví dụ như, hàng ngày mình xử lý thông tin, thì đi dạy, đi làm giám khảo sẽ là môi trường để thư giãn. Và, mình cũng thấy thú vị khi hướng dẫn sinh viên thực tập. Từ “lứa” đầu tiên ở phòng truyền hình là Lê Vi (CĐPTTH) rồi tới các lứa Đình Khánh, Thanh Huy, Tự Sang {ĐH KHXH&NV}, Kim Cúc (ĐH Văn Lang)… số lượng theo cấp số nhân qua từng khóa nhưng với mình chẳng hề gì. Việc “huấn luyện” một người để họ có kỹ năng làm nghề tốt giống như mình làm nghiên cứu khoa học, hay làm phim tài liệu vậy. Cảm giác rất “Yomost”.
Thế rồi, một ngày mùa đông của 2 năm trước, bỗng dưng những gì là mầm sống đã bị bóc không thương tiếc. Những thân chồi đang vươn lên thì bị xé tẹc ra và thân cây bị trói lại. Những thợ rừng thô bỉ đã dùng những con dao cùn để chặt tỉa những cành non. Thân cây không chỉ bị đau vì bầm dập da thịt mà còn bị tổn thương linh hồn khi phải đối diện với quá nhiều sự thật trần trụi, mỗi ngày.

Ban đầu mình còn đau đớn, thất vọng, mất niềm tin, ngỡ ngàng…nhưng sau đó mình bị đơ. Mỗi tình huống xảy ra mình tự nhủ đó là cuộc sống, và bơ nó đi. Đặt mình vào vị trí của đương sự để giải thích cho những hành động đó, rồi kết luận: Đó là sự đời. Thiên hạ chứng kiến sự đời trải dài trong nhiều năm, còn mình thì cha mình (ông trời) muốn thử gan mình nên cho dồn dập coi mình đối diện ra sao thôi.

Mình đã đối diện như thế này: tước cành thì mình mọc nhánh. À, thế rảnh quá nên mình đi học. Ban đầu chỉ là học cho hết thời gian thôi nên học gì cũng được. Có 4 cái bằng đại học, 2 cái chứng chỉ cao cấp rồi nên chắc học thạc sĩ đi cho nó lạ. Thạc sĩ gì cũng được, miễn có học. Thế là mình đi đăng ký học Thạc sĩ Xã hội học. Đóng tiền, làm hồ sơ xong hết rồi. Ngày thi đầu vào chắc “Ổng” không ưng nên …bạo động xảy ra ở BD và ĐN khiến mình không tập trung làm bài được mà phải trả lời mấy chục cuộc gọi từ trước giờ vào phòng thi kéo dài đến trưa. Thế là bỏ. Nhờ vậy mà mình bị lọt vào tầm ngắm của chương trình Thạc sĩ quản trị truyền thông. Hồi đó chẳng biết tại sao đậu? Nhưng đậu rồi thì phải có lộ trình học đàng hoàng. Lịch học kín mít. Biết rằng xuất phát điểm của mình yếu kém nên mình phải nỗ lực từ giờ. Bỏ hết các buổi hẹn hò, các cuộc ăn chơi hay các chuyến du lịch, bỏ qua lời ong tiếng ve, bỏ qua việc thiên hạ thấy mình là bị ngứa mắt đi qua đá cho cái thấy mình ngồi im thì đi lại đạp cho cái nữa, thập chí hất luôn cho xô nước vào người…mình cũng kệ. Mục tiêu là học. Những người khác vừa đi làm vừa đi học họ đăng ký học nửa thời gian, nhưng mình học toàn thời gian, bằng mọi giá mình phải tốt nghiệp càng sớm, càng tốt. 

Cái sự học này được "an toàn" đến phút chót phải kể đến sự quan tâm, chia sẻ, tạo điều kiện và...giữ bí mật của BBT báo tuổi Trẻ. Các anh biết chuyện đã động viên, khích lệ mình học và "bảo vệ" để mình được yên ổn học xong.

 Thầy phụ đạo cho mình không bao giờ là người cùng mình leo núi mà luôn luôn đứng trên đỉnh núi bắt mình phải leo lên thật nhanh bất chấp chân tay hay thân hình mình rướm máu. Nhiều lúc điên lắm nhưng rồi vẫn phải ngậm bồ hòn để học, để lết lên từng bước. Có lần thầy mình nói Thiên hạ họ mua bằng đầy ra đấy, chị có tiền sao không mua cho khỏe, học làm gì cực qúa vậy? Không. Mình không học để lấy cái bằng. Mình học để lấy kiến thức. Vì mỗi chuyên đề nghiên cứu đều cho mình mở mang rất nhiều thứ. Ví như mình chẳng bao giờ quan tâm đến kinh tế nhưng khi học môn marketing mình đã phải đi nghiên cứu về các chuỗi bán hàng thành công trên thế giới, hay mình cực ghét TQ nhưng mà khi học xử lý khủng hoảng mình phải nghiên cứu và lập kế hoạch xử lý khủng hoảng cho một công ty sữa của TQ mà bán sữa dỏm ở thị trường Việt Nam mới đau chứ.
Đau, khó khăn thì vẫn phải tự mình làm. Nếu không tự làm sẽ không có mớ kiến thức mà nếu không học thì không thể nào có được.
Và như giáo sư nói, kết quả đã xứng đáng khi mình làm nghiên cứu về Hội tụ báo chí ở Việt Nam lấy mô hình Tòa soạn hội tụ của báo Tuổi Trẻ làm điển hình đã được hội đồng chấm luận văn đánh giá cao.
Qua Luận văn này, mình hiểu khá nhiều về việc áp dụng truyền thông mới, truyền thông đa phương tiện ở Việt Nam như thế nào? Cách thế giới bao nhiêu năm? Cách tổ chức một Tòa soạn hội tụ không chỉ ở báo Tuổi Trẻ mà còn ở một số cơ quan báo chí lớn đang áp dụng mô hình hoặc áp dụng một phần. làm thế nào để triển khai hiệu quả mô hình mà tiết kiệm tối đa, chi phí, nhân lực mà hiệu quả công việc đạt cao nhất…đó là những thứ mà có tiền cũng không mua được nếu không có trải nghiệm thực tế. Bởi mình không chỉ phỏng vấn, nghe kể, mà mình tham gia vào các hoạt động để có cái nhìn rõ ràng hơn.
Làm luận văn xong thì lại rảnh, mà rảnh là dễ sinh tình lắm nên mình lại đẻ ra cái trang Góc Trường Sa (minhthuy.info) để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm làm nghề và những câu chuyện đời nữa. Trang này còn tích hợp các loại hình truyền thông mới cho nó “hại điện”. haha. Anh em bà con cứ có giây phút nào rảnh tay thì lướt nhé! Trên điện thoại cũng có đấy. Vào trò chuyện với mình cho vui. Mình rảnh mà. Ahihi


Bạn Phương Thảo biết mình thích hoa sen nên một ngày nọ đã ...bê một chậu sen đến tặng mình. Và đây là thành quả ở Góc Trường Sa.

Nếu như trước kia mình cay đắng khi có kẻ nói rằng mình làm giỏi thì đã được tặng bằng khen. Haha, mà mình được tặng nhiều bằng khen lắm. Năm nào cũng được tặng, đủ cả, của Thủ tướng, của UBDN TPHCM, Thành ủy…thậm chí mình mới nhập khẩu TP năm 2012 nhưng năm kia đã được tặng danh hiệu công dân tiêu biểu của TP rồi. Và mình cũng không nên hối hận khi “bỏ phố lên rừng”, bởi giờ đây mình đã có nhà, có xe. Haha. Vui vãi. Tự nhiên có chắc?!



Lúc đó mình muốn bụp vào mặt kẻ đã thốt ra những lời đó nhưng giờ mình thấy bụp làm gì cho dơ tay. Đời này không ai điều khiển được cuộc sống của mình trừ khi mình để cho họ điều khiển. Mình đã từng, vì luôn nghĩ chân lý luôn thuộc về sự thật nên mình đã bị chà đạp, thậm chí đạp rồi họ còn di di cho đã cái chân nữa cơ.
Con giun xéo mãi cũng quằn là tình huống này nè. Quằn rồi thì có gì mà sợ nữa.

Có một điều rất lạ là, trải qua bao nhiêu chuyện đau lòng, đau đầu và ...đau bụng nữa, nhưng mình cứ trẻ và đẹp ra mỗi ngày. Thiên hạ ai cũng thắc mắc. Họ lý giải là mình có tình yêu, chỉ có mình biết là tình yêu thì không có nhưng không hiểu tại sao lại kỳ như vậy nữa?  Ahihi
Được tạo bởi Blogger.