Header Ads

Header ADS

Nữ nhân đất Việt - Công nữ Ngọc Vạn

Trong lịch sử nước Việt ta, có những người phụ nữ đã “ lau phấn son, mưu thù nhà”, hiên ngang vì sự nghiệp gìn giữ từng tấc đất gian san, có thể kể đến như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân vv... Thế nhưng đằng sau, vẫn có những người phụ nữ đã âm thầm hy sinh, cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình để mở mang bờ cõi. Họ xứng đáng được ghi ân ở một góc nào đó của lịch sử, và được tôn thờ ở một góc trong trái tim mỗi người dân Việt.

Công nữ Ngọc Vạn – người mẹ nam bộ.

Công nữ Ngọc Vạn là con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, huý của bà là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn. Công nữ là một người hiền lành và đôn hậu. Như người ta thường nói “ tâm sinh tướng”, dung nhan của bà cũng mỹ miều, xinh đẹp như chính đức hạnh của bà vậy.
Năm 1620, lúc ấy trong khu vực xảy ra binh biến, một quốc gia láng giềng của Đại Việt  là Chân Lạp lúc này đang bị uy hiếp bởi vương quốc Xiêm La. Khi đó, vua bèn đến đàng Trong nước Việt để cầu viện binh. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để giao hảo với Chân Lạp, chúa Sãi đã đồng ý hỗ trợ quốc gia này, đồng thời chấp thuận lời cầu hôn của Quốc vương Chân Lạp với con gái mình – công nữ Ngọc Vạn.
Vậy là sau đó, Công nữ tạm biệt cung son điện ngọc, tạm biệt dân chúng Phú Xuân, và cũng tạ từ mối tình dang dở để đến xứ người, nơi mà con người, văn hoá và tất cả mọi thứ đều xa lạ đối với nàng. Dù Quốc vương Chân Lạp Chey Chetta II trước khi rước nàng về đã cho xây cung điện nguy nga, tráng lệ. Nhưng chúa Nguyễn vẫn không thể yên tâm khi để viên ngọc của mình đi đến một nơi xa. Trong hồi kí của giáo sĩ người Ý Christopho Borri viết thì chúa Sãi đã cho một đoàn quân hùng hậu tiễn con mình xuất giá, đồng thời cũng đội quân ấy đã giúp Chân Lạp phòng thủ với Xiêm La:
“Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có trang bị võ khí và bày trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh Oudong, thì dân chúng Khmer , thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Hoa đã tụ hội đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh.”
Và cũng ngay sau đó, Ngọc Vạn được phong hoàng hậu, hiệu là Somdach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattrey.


Oudong - nay là cố đô Campodia ( Ảnh : Internet)

Công lao của nàng Ngọc Vạn

Cuộc hôn nhân của nàng Ngọc Vạn không đơn thuần như những cuộc hôn nhân khác. Trước khi ra đi, Ngọc Vạn đã biết mình sẽ phải làm gì cho đất nước. Hoàng hậu đã đề xuất cho nhiều người Việt đến làm ăn và sinh sống tại đất Cao Miên, nhiều người Việt cũng đã có được chức quan trong triều. Cùng với đó, nhiều xưởng may, xưởng buôn của người Việt cũng đã được lập nên.
Năm 1623, tức là 2 năm sau khi Ngọc Vạn theo chồng về xứ người, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã cử phái đoàn đến kinh đô Uodong  và yêu cầu được lập cơ sở ở Prey Kôr tức Sài Gòn ngày nay và đặt ở đấy một sở thu thuế hàng hóa. Vua Chey Chetta chấp thuận và triều đình Thuận Hóa khuyến khích người Việt di cư đến đấy làm ăn rồi lấy cớ để giúp chính quyền Miên gìn giữa trật tự, còn phải một tướng lãnh đến đóng ở Prey Kôr nữa. Khi Chey Chatta mất, vùng đất từ Prey Kôr trở ra Bắc đến biên giới Chiêm Thành, tức là Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa ngày nay, đã có nhiều người Việt đến ở và khai thác đất đai (trích trong cuốn "Việt sử xứ Đàng Trong", phần "Chúa Nguyễn gây ảnh hưởng trên đất Chân Lạp"). Và đây cũng là nền móng của việc mở mang bờ cõi phương nam về sau.
Cho đến hiện tại, nhiều người dân nam bộ vẫn cung kính khi nhắc đến tên bà, xem bà như một vị thần và như người mẹ của miền Nam bộ. Người đã dành hết cuộc đời để mở mang bờ cõi Việt Nam.


Công Nữ Ngọc Vạn và những ngày cuối đời

Sau khi vua Chey Chatta II băng hà, Vương quốc Chân Lạp xảy ra nhiều binh biến, loạn thần tặc tử thay nhau cướp ngôi, tiếm vị. Nàng Ngọc Vạn dù phải sống trong loạn cảnh nhưng do được sự hộ thuẫn từ quân đội, những kẻ làm phản kia không ai dám động đến bà. Sau một thời gian dài sống trong cung son, nhìn những cảnh nồi da xáo thịt, bà quyết định từ bỏ hoàng cung, lui về xứ Đồng Nai sinh sống và ẩn tu tại chùa Gia Lào, một ngôi chùa do chính bà khai sơn. Đến cuối đời, bà quyết định trở về quê cha đất tổ - kinh thành Phú Xuân để sinh sống và đã tạ thế tại đó.
Cuộc đời nàng Ngọc Vạn như một câu chuyện dài. Người con gái ấy đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để đổi lấy một phần gian san nước Việt. Nói cách này hay cách khác, bà đáng được ghi nhớ đối với mỗi người dân Việt nói chung và mỗi người Nam bộ nói riêng.

Mộ Công nữ Ngọc Vạn tại Huế ( Ảnh : Internet)


Nói về công lao của công nữ Ngọc Vạn tiến sĩ Trần Thuận nhận xét: Cuộc hôn nhân này mặc dầu không được sử nhà Nguyễn ghi chép vì một lý do nào đó. Song, xét đến cùng thì đây là một cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, nó đáp ứng nhu cầu cho cả hai phía. Chân Lạp cần có sự "bảo hộ" của chúa Nguyễn để tránh khỏi sự tấn công tiêu diệt của vương quốc Xiêm. Chúa Nguyễn cần có chỗ đứng ở phía Nam, đẩy mạnh sự khai phá của lưu dân Việt trên mảnh đất khô cằn và thấp trũng mà từ lâu người Chân Lạp vẫn bỏ hoang, đồng thời tạo nên sự ổn định mặt phía Nam để rảnh tay lo đương đầu với thế lực Trịnh ở phía Bắc...Ngọc Vạn, rõ ràng là một chiếc cầu nối trong quan hệ Việt–Miên ở thế kỷ 17...Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, từng có những người phụ nữ làm nên đại cuộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu...góp phần gìn giữ nền độc lập cho Tổ quốc, và cũng từng có những người phụ nữ lặng lẽ hy sinh để cha anh làm nên nghiệp lớn như Huyền Trân, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa...Chính họ là những con người làm nên lịch sử. Đáng kính thay!







Định Nguyên
Được tạo bởi Blogger.