Nhớ quá ngày xưa ơi
Một góc chợ quê
Cái chợ quê giờ đã chia ra thành các khu chuyên biệt y như các chợ ở thành thị. Cũng cái chỗ lan can cầu này ngày xưa tôi hay đứng chờ nội bán hết mấy cây chổi rơm vào phiên chợ sáng, ấy vậy mà giờ nhìn sao lạ huơ lạ hoắc. Tôi chợt nhận ra cái lý thuyết đô thị hóa ngày nào được học ở môn địa lý, bây giờ đã len lõi vào đến tận cái xóm nhỏ này rồi. “Cuộc sống ngày càng văn minh mà, dân mình hổng lẽ quê hoài sao”. Ấy chết! Tôi không nói chắc không ai biết đó là câu nói của bà chị xóm tôi chuyên nghề… bán cá ở chợ.
Hồi chiều đi ngang qua đầu cầu Kinh Tư (bây giờ đã xây lại to gấp mấy lần ngày xưa) tôi có thấy cái khẩu hiệu to tổ chảng viết trên một bức tường xi măng với nội dung đại loại: Đưa cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại.. Ừ! Dân mình phải tiến bộ, phải văn minh chớ. Cái thời ăn chuối độn gạo đã qua rồi, điện đã đến với quê rồi, đâu còn cái thời lấy trái mù u làm đuốc nữa. Nhìn cái chợ quê bây giờ thì biết. Cái chợ nhỏ như cái lỗ mũi nằm tuốt trong hốc bà tó, ngày xưa khi hỏi người ở cách đó chừng năm bảy cây số họ điều lắc đầu nguầy nguậy “hông biết”. Vậy mà giờ nó to lắm, nhà hai tầng, ba tầng mọc lên như nấm. Nơi đây ngày xưa chỉ lụp xụp vài ba cái quán nước nhỏ xíu chuyên mở phim chưởng, bọn con nít tụi tôi muốn coi thì phải bỏ tiền mua cây kem chuối năm trăm đồng mới được ngồi ghế (là ghế đẩu bằng cây). Hồi đó phim chiếu bằng băng từ, phim hết phải ngồi đợi chủ quán ngồi quay cuộn băng ro…ro… cho nó trở lại rồi mới coi tiếp. Vậy mà chiều nào quán cũng đông như kiến.
Chợ họp lúc sáng sớm. Trời tờ mờ là người ta đã dọn hàng, xuồng đậu chật cả bến sông, phải đến sớm dùng đèn cóc (đèn dầu nhỏ) rọi mới thấy đường dọn cho kịp chỗ. Hồi đó làm gì có chuyện mướn chỗ, mua chỗ ngồi bán như bây giờ. Ai đến trước thì ngồi chỗ tốt, ai đến sau thì ngồi chỗ còn lại, không phải tranh giành. Riêng có những chỗ như bà Năm Bún, cô Tư Gà Vịt… là được ưu tiên giành riêng, bởi người ta bán lâu năm, quen chỗ. Chợ bán từ những con gà, con vịt còn sân sẩn cho đến mớ rau càng cua mềm mụp, rỗ trái giác tím lừ lừ, từng chùm ớt đỏ tươi roi rói… Cả chợ kiếm đỏ con mắt cũng chưa có đến bốn cái cân (loại cân đòn 12kg). Người ta bán theo ước chừng, theo mớ, theo chục, có hơn kém ít đỉnh cũng chẳng ăn thua, bởi của nhà mà, có lỗ lả gì. Người bán nếu có cân thì luôn cân cho “giác chổng mông”, chớ chưa bao giờ biết cân thiếu, cân ăn gian ai một trăm cà gam nào, bởi "giàu nhờ gì chớ ai giàu bền nhờ gian lận chớ". Người ta sống với nhau không hề có sự so đo, tủn mủn. Ví phía sau những lọn rau, con cá kia là cả một tấm lòng của những người quê chân chất. Chợ quê không chỉ là nơi buôn bán mà còn là nơi để người ta tin tưởng nhau, sẻ chia nhau từng câu chuyện gia đình, chuyện con cái, chuyện cấy cày… Thấy mà thương làm sao cái chợ quê mình.
Cái chợ ấy bây giờ sao mà xa quá. Sự văn minh đã vô tình đẩy cái chợ quê của tôi chìm sâu vào ký ức. Biết tìm đâu cái chợ yêu thương ấy khi bây giờ dân mình đã... văn minh.
Tôi vẫn đứng ở cái chợ ngày nào, nhưng sao mà lạ quá. Cái cân đòn ngày nào giờ đã bị mang đi bán ve chai mất rồi. Người bán ai cũng có cân đồng hồ. Cái chợ vẫn nhộn nhịp, vẫn bán, vẫn mua nhưng đâu rồi cái chân chất của những con người tay bùn chân lấm. Tôi nghe đâu đó trong mớ âm thanh ồn ào của chợ có tiếng cãi nhau. Hình như là họ cãi nhau vì nữa ký cá mang đi cân chỉ còn ba trăm rưỡi cà ram.
Ôi! Nhớ quá ngày xưa ơi.
Thanh Huy