Header Ads

Header ADS

Đức năng thắng số

Dạo gần đây trên mạng xã hội Facebook đang rộ lên những câu chuyện về bùa ngãi. Từ đó, người người, nhà nhà đều bắt đầu chia sẻ những cách trừ bùa, trấn ngãi. Những câu chuyện như vậy không chỉ gây nên cảm giác hoang mang, lo sợ cho những người yếu bóng vía, mà thậm chí còn làm cho một số người tiền mất, tật mang. Nhân sự kiện trên, tôi lại chợt nhớ ra một câu chuyện trong lịch sử mà tôi vô cùng tâm đắc. Đây là một câu chuyện cũ mà hầu hết những người tìm hiểu về văn hóa và lịch sử đều đã một lần nghe qua, cũng liên quan đến vấn đề bùa ngãi.
Ảnh: Internet

Năm 1392, hoàng đế Trần Minh Tông nhường ngôi cho hoàng tử Trần Vượng. Trần Vượng là con trai của 1 thứ phi, vì hoàng hậu lúc đó chưa sinh được con trai nên ông được lên ngôi vua, chính là vua Trần Hiến Tông. Năm 22 tuổi, vua Hiến Tông mất. Thượng hoàng Minh Tông bèn lập hoàng tứ thứ 10 của mình là Trần Hạo lên ngôi vua. Hoàng tử Trần Hạo theo chiếu lên ngôi năm 6 tuổi ( sau này là Trần Dụ Tông), niên hiệu Thiệu Phong. Mặc dù Thượng hoàng lập đứa con nhỏ lên ngôi mà không chọn những người lớn hơn, nhưng triều thần không ai dám phản đối, vì hoàng tử Trần Hạo là con trai của Hiến Từ Hoàng hậu và thượng hoàng. Trước kia, vì bà chưa sanh được con nên Minh Tông đành phải lập người khác lên làm vua. Nay bà đã có con, thì theo lẽ thường, con trai bà phải là người danh chính ngôn thuận trị vì đất nước. Tuy về tình về lí đều đúng, nhưng việc bỏ trưởng lập ấu này vẫn là việc chướng tai gai mắt với một người: Thứ phi Triều môn!
Triều Môn là thứ phi của thượng hoàng Minh Tông, mẹ của hoàng tử Trần Nguyên Trác. Việc ngôi vua rơi vào tay 1 đứa trẻ con mà không phải là người con lớn của bà làm bà vô cùng tức tối. Và thế là một hôm nọ, theo sự chỉ dẫn của  1 thầy cúng, bà tiến hành âm mưu ếm đối cả 3 người con của hoàng hậu Hiến Từ để trả thù.
Thứ phi Triều Môn cho người ra ngoài mua 1 con cá bống, bà đứng bên miệng giếng, lẩm nhẩm đọc thần chú mà bà đã học được từ tay thầy cúng.
Thứ phi Triều Môn cho người ra ngoài mua 1 con cá bống, sau đó viết 3 cái tên “ Dụ Tông, Cung Túc, Thiên Ninh” lên 1 tờ giấy, nhét vào miệng con cá bống và thả lại nó xuống cái giếng trong cung. Xong việc lớn, bà chỉ ngồi chờ ngày đạo bùa linh nghiệm và đứa con của bà sẽ có cơ hội nối ngôi.
Nhưng người đang làm, trời đang nhìn! Một hôm nọ,người lính canh trong cung vô tình bắt được con cá bống dưới giếng Nghiêm Quang và phát hiện ra tờ giấy trong bụng cá và ông ta mang tất cả trình lại cho Thượng Hoàng. Bấy giờ, Ngài vô cùng hoang mang, lệnh cho truyền tất cả nữ nhân hậu cung lại mà xét hỏi.
Lại nói đôi chút về hoàng hậu Hiến Từ. Bà là người dòng dõi cao quý, khí chất thanh cao, vốn ngày đêm ăn chay niệm Phật. Quả thật tấm lòng của bà đẹp như cái tên của bà vậy. Hiến Từ hoàng hậu thấy Thượng hoàng ra lệnh trên, bèn cản Người lại vì bà biết rằng  hậu cung là nơi ác địa, ngày đêm người ta tranh đấu với nhau để tranh quyền đoạt lợi. Cho nên, rất có thể sẽ có người bị hàm oan sau vụ này. Bà xin với Thượng hoàng hãy để cho bà điều tra ai là người hãm hại con bà. Thượng Hoàng chấp thuận!
Một lần nữa, người đang làm, trời đang nhìn, thiên bất dung gian. Hoàng hậu Hiến Từ điều tra ra rằng trong thời gian gần đây, chỉ có Triều Môn là có  sai người đi mua cá bống. Bà tâm sự chuyện này cho Thượng hoàng. Ông đùng đùng nổi giận, định bắt Triều Môn vào mà hỏi tội. Tuy nhiên, ngẫm mình mà thấy người, bà biết Triều Môn vì thương con nên mới làm vậy. Hơn nữa, việc xấu của hoàng tộc truyền ra ngoài thì còn gì là oai nghi, là quốc thể. Chuyện này lại sẽ gây chia rẽ cho hai anh em Dụ Tông và Nguyên Trác.  Bà đã xin Thượng hoàng Minh Tông miễn tội cho Triều Môn
Hoàng hậu quả thật là người nhìn xa. Vì sau đó, có đại thần nghe lén được và đã bẩm lại với Dụ Tông chuyện này. Dụ Tông lập tức nghi ngờ anh cùng cha khác mẹ của mình có ý đồ xấu nên đã bắt giam. Giữa lúc đó, hoàng hậu Hiến Từ lại  hết lời khuyên bảo xin con trai là Dụ Tông tha chết cho anh. Cái “Từ” của bà đã làm thay đổi suy nghĩ của Dụ Tông, ông quyết định tha chết cho anh, lại trọng dụng trong việc trị nước.


Đấy, cứ sống như hoàng hậu Hiến Từ thì không bùa nào hại được. Cứ sống mà yêu thương, mà Từ bi thì trời người ủng hộ, chẳng việc gì phải sợ bùa ngải hại thân. Cũng đừng tin lời thầy bà mà cúng bái, chỉ tổ tiền mất tật mang. Còn người dùng bùa mà hãm hại người khác  thì sớm muộn gì cũng tự làm hại mình, như bà Triều Môn, hại con người không chết mà con mình xém chết!
Ông bà ta thường có câu: “ sống chết có số”, nghĩa là số đã đến dù có làm gì cũng khó có thể thay đổi. Thế nhưng, lại cũng có câu: “ Đức năng thắng số”, nghĩa là chỉ cần ta sống có đức, ăn ở theo lẽ phải thì dù là bất cứ chuyện gì cũng không thể hại ta được, chứ đừng nói là những kẻ bất lương.

Định Nguyên 
Được tạo bởi Blogger.