Header Ads

Header ADS

Bố Tuấn


Nếu bạn đến tỉnh Bình Phước mà hỏi "ông bố nào có nhiều con nhất?" thì chắc chắn rằng bạn sẽ nghe được câu trả lời là "Bố Tuấn".

Bố Tuấn không đẻ bất cứ đứa con nào nhưng lại được rất nhiều người ở hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước gọi triều mến là "Bố".
Bố Tuấn là người đã dành cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp cách mạng đúng theo nghĩa đen của nó. Sinh ra trong một gia đình đại tư sản ở Sài Gòn trước giải phóng. Ngày Miền Nam giành được độc lập, gia đình lớn của bố gồm ba má và 8 anh chị em đều hiến hết tài sản cho chế độ mới rồi sang Mỹ sống. Cậu bé Tuấn lúc ấy mới hơn 10 tuổi nhất quyết ở lại Việt Nam. Cậu tham gia vào phong trào Đội ở tỉnh Bình Dương. Ba năm sau, ba má cậu lại làm thủ tục để Tuấn qua Mỹ nhưng mọi giấy tờ đã xong, ngày đến Tổng lãnh sự phỏng vấn thì đội viên Nguyễn Tuấn...trốn. Thế là gia đình đành để cậu ở lại Việt Nam với một người vú nuôi.

Tham gia công tác Đội rồi làm Tổng phụ trách Đội. Những ngày đầu mới giải phóng, miếng ăn còn thiếu nói gì đến phong trào. Vậy mà chàng trai Nguyễn Tuấn đã dành mọi tâm huyết của mình gầy dựng hoạt động Đội trong trường học. Chấp nhận mọi gian khổ để đàn em thân yêu có được những kỹ năng sống bổ ích, làm con ngoan, trò giỏi.

Hết Đội thì chuyển qua Đoàn. Cũng vẫn với những tư duy sáng tạo Bố Tuấn đã thiết lập nhiều hoạt động cho các bạn trẻ ở địa phương thực hiện.

Năm ấy, khi mình vừa đầu quân về Đài PTTH Bình Phước được gần 1 năm thì được giao phụ trách chương trình "Sức trẻ hôm nay". Từ cái tên chương trình, đến chọn nhạc hiệu, xây dựng định hướng hoạt động đều do bố Tuấn "vẽ" ra. Nhiều người gọi bố là "thợ vẽ", có khi chạy theo bố cũng rạc cả chân nhưng chưa bao giờ mình thấy đuối.

Ngày 02.10 năm ấy lần đầu tiên mình thấy mình trở nên ...quan trọng như thế khi mà cả cơ quan tỉnh đoàn quây quần bên nhau đón xem chương trình, xong rồi chúc mừng, kỳ vọng.

Bố là người có tư duy nhạy bén với việc tuyên truyền và các hoạt động phong trào. Điều đó có nghĩa là bố rất sáng tạo trong mọi tình huống. Cũng nhờ sự sáng tạo của bố mà chương trình "Sức trẻ hôm nay" và "Thiếu nhi" do mình phụ trách thực hiện luôn là điểm hẹn của đông đảo khán giả trong tỉnh, nhất là thanh thiếu niên.

Hai chương trình này không chỉ là chương trình có để xem mà nó đã tạo ra sự "cạnh tranh" thông tin giữa các đơn vị Đoàn - Đội trong toàn tỉnh. Minh Thùy trở thành cái tên được nhiều người gọi điện nhất khi có bất cứ mô hình hay sự kiện nào. Và hai chương trình này còn như một chiếc gương phản chiếu để các đơn vị học hỏi lẫn nhau, xây dựng các mô hình của đơn vị mình sáng tạo hơn đơn vị khác.

Tối thứ sáu và thứ tư hàng tuần là thời gian mà hầu như bạn cán bộ đoàn, đòan viên nào cũng ráng dành ra để xem chương trình coi hôm nay "ai được lên Sức trẻ"?

Hồi đó, đi đâu bố cũng "tha" đi. Bố nói nhiều, ngồi chugn xe với bố có cái lợi là nắm được thêm kiến thức chuyên môn của tổ chức Đoàn, Đội, Hội và còn hiểu được định hướng tuyên truyền nên chương trình mình làm như một người bạn của Đoàn.

Không bạn sao được khi một mình mình vác máy quay lội suối, trèo rừng theo đồ thị parapol để quay cảnh đoàn viên thanh niên thu hoạc mì trên những quả đồi trọc để gây quĩ giúp trẻ em nghèo hiếu học. Khi mô hình đó phát đi, nhiều cơ sở Đoàn trong tỉnh cũng tìm cách gây quĩ theo thực tế địa phương có được để làm công tác xã hội.

Không bạn sao được khi 6 triệu đồng người ta chỉ mua được mấy tấm tôn và 6 cái cọc xi măng để dựng nhà trong khi chỉ có 5 triệu đồng, huyện đoàn Bình Long đã xây được hẳn một căn nhà tình thương với tường tô xi măng đàng hoàng thậm chí còn có thêm cả tấm đan để làm bàn thờ gia tiên nữa.

Những mô hình mà chỉ có sức trẻ cộng với nhiệt tình cách mạng mới có thể làm ra được. Hồi đó, phong trào toàn tỉnh rất sôi nổi.

Bố là người đối xử với phong trào bằng tấm chân tình. Vì thế, năm nào, những ngày "giỗ, kỵ" của Tổ chức bố đều bày trò ra để tập hợp anh em làm công tác phong trào ở khắp nơi tụ tập về như một cách tra thêm dầu nhớt để cái bộ máy chạy trơn tru hơn vậy.

Chẳng phải gì nhiều, có khi chỉ là vài chai rum cộng với mấy kg chanh của một bạn nông dân nào đó đem lên pha vào một bình nước suối, thêm mớ cây nhà lá vườn nữa là thành bữa tiệc thịnh soạn có kèm khiêu vũ tập thể đến tận khuya.

Ai có dính đến Đoàn - Đội - Hội đều được mời đến bằng thái độ trân trọng, chân tình nên ai cũng sẵn sàng chìa tay chia sẻ với tổ chức để có thêm nhiều phong trào, nhiều dự án hơn cho tuổi trẻ làm.

Hồi đó, khi mà tất cả các ban bệ, sở ngành đang bận rộn với tiếp xúc cử tri thì mình gọi cho bố Tuấn vì không chịu nổi cảnh miền Trung bị tang thương trong lũ dữ. Rất nhanh bố bảo "Sáng mai mày xuống đây!"

Tỉnh đoàn là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh tổ chức vận động quyên góp cho miền Trung trên diện rộng. cán bộ tỉnh đoàn phải tỏa đi các huyện thị để hỗ trợ cơ sở làm và còn kiêm thêm nhiệm vụ ...cầm băng hình về cho mình dựng phóng sự nữa. Nhờ có sự chủy huy nhanh gọn tháo vát của bố mà đợt đó không chỉ quyên góp được nhiều mà hình ảnh cũng kịp về "báo cáo" lại bà con rằng họ đã gửi gắm yêu thương đúng địa chỉ.

Hình chụp lúc 8h12 ngày 13/08/2003 tại Tỉnh Đoàn Bình Phước

Bố đi đến đâu là phong trào sôi nổi lên  đến đó. Hết tuổi Đoàn bố sang Sở thể thao, ngay lập tức bên đó lại rầm rộ lên các phong trào. Chả chỗ nào bố chịu ngồi yên.

Một đời tôn sùng cách mạng nên Bố đã được kết nạp Đảng dưới sự "bảo lãnh" của Bí thư tỉnh ủy Sông Bé lúc bấy giờ.

Sau này về Bình Phước, có những lúc bị điều chuyển đến những đơn vị mà bố cũng không thích nhưng nhiệm vụ được giao bố vẫn hoàn thành. Vẫn gầy dựng phong trào ở khắp mọi nơi. Để đi đến đâu người ta cũng nhận thấy ở đó phải ĐỘNG lên mới được.

Hình chụp lúc 10h10 ngày 14/08/2003 tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước

Khoảng hai tuần trước, đột nhiên bố xuất hiện và bình luận trong facebook của mình sau hơn 10 năm không gặp. Nhận ra nhau rồi là ngay lập tức bố rủ về Bình Phước viết bài cho du lịch Bình Phước phát triển.

Chỉ vì quá ham công tiếc việc mà bố cứ hẹn lần hẹn lựa không chịu đi chữa bệnh dù bệnh viện đã báo động đỏ với Ban bảo vệ cán bộ. Còn rất nhiều dự định bố muốn làm mà bỗng dưng bố bỏ đi đột ngột khiến cho ai cũng ngỡ ngàng, hụt hẫng. Những người em, người cháu, người con "xã hội' của bố đều không chấp nhận được sự thật này.

Dân gian nói rằng "Không có mợ thì chợ vẫn đông" điều đó không sai, nhưng đông theo kiểu nào thì còn phải xem lại. Bởi không phải ai cũng có tố chất sinh ra để làm phong trào như bố, không phải ai cũng dám sống xa gia đình, không màng nhung lụa để sống cuộc sống cơ hàn mà xây dựng phong trào cho cách mạng. Không phải ai cũng có cái nhạy bén nghề nghiệp và tư duy sáng tạo không ngừng như bố.

Bố nằm xuống, biết bao dự định còn dang dở. Trong lễ truy điệu của Bố chị Tuệ Hiền đọc điếu văn đã nói "Bố ra đi là mất mát lớn cho tỉnh Bình Phước" khiến tiếng sụt xịt dường như không còn nén lại được nữa. Nam - Nữ, già trẻ khóc hết.

Mình đã dự nhiều đám tang, câu ai đó ra đi là mất mát cho tập thể nghe rất sáo. Nhưng với trường hợp của Bố thì đúng là thật, nhất là lúc này, khi Bố còn trẻ, còn có quá nhiều dự định, ấp ủ cho sự nghiệp chung mà chưa thực hiện được. Có những phần việc, người này đi thì người khác sẽ tiếp quản và vận hành tiếp, nhưng với trường hợp của Bố thì không phải ai tiếp quản cũng có thể làm được như Bố - Vì vậy sự mất mát lớn của tập thể ở đây là nhìn thấy thật sự rõ ràng.

Được tạo bởi Blogger.