Header Ads

Header ADS

Những nhà báo kiêm giảng viên kể chuyện nghề

Giảng dạy giúp nhà báo vơi bớt áp lực trong nghề nghiệp và cho họ những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống khi được đứng lớp và chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề…
Gác lại những áp lực công việc thường ngày của một phóng viên, biên tập viên, những “thầy cô giáo” đặc biệt này đến lớp với mong muốn truyền tải hết những kiến thức thực tiễn của nghề với sinh viên, mong các em được trang bị tốt nhất trước khi bước vào đời, vào nghề. Mỗi nghề nghiệp lại cho chúng ta những trải nghiệm khác nhau, có thể nghề báo cho họ sự mạnh mẽ, quyết đoán, can trường thì nghề giáo cho họ sự dịu dàng, thấu hiểu, tỉ mỉ rất riêng biệt. Nhân ngày 21/6, hãy cùng trò chuyện để lắng nghe những chia sẻ thú vị của những người đảm nhiệm và làm tốt cả hai vai trò nhà báo và nhà giáo này nhé!
 “Học ở sinh viên nhiều điều!”
Đó là chia sẻ của nhà báo Minh Thùy, hiện là Biên tập viên phòng Truyền hình (báo Tuổi Trẻ), gắn bó với nghề báo hơn chục năm qua. Là một trong những nữ nhà báo tiêu biểu của miền Nam đạt được nhiều giải thưởng lớn về báo chí trong và ngoài nước, chị được Khoa báo chí và Truyền thông (Trường ĐHKHXHNV TP.HCM) tin tưởng mời về đảm nhiệm vai trò giảng viên môn “Phóng sự và phim tài liệu dành cho các lớp chuyên ngành Báo chí”.


Nhà báo Minh Thùy tại lớp báo chí Tỉnh Kiên Giang
Chia sẻ về công việc này, chị nói: “Được truyền tải những kinh nghiệm thực tiễn của nghề đến với các bạn trẻ là một niềm hạnh phúc lớn với tôi. Các bạn trẻ hiện nay rất năng động và sáng tạo, đôi khi có những kiến thức Thùy cũng phải học từ các bạn nữa đấy, ví như: tiếp cận với công nghệ và kĩ thuật mới. Tình cảm thầy trò trong sáng và ấm áp cũng là nguồn động lực lớn cho Thùy trong công việc hiện tại cũng như cuộc sống. Công việc giảng dạy cũng giúp tôi có thêm nhiều mối quan hệ và kết nối tốt hơn”.
“Cô” Thuỳ chia sẻ thêm: “Có những lúc Phòng Giáo vụ giới hạn cho mình số tiết dạy cho một môn học nhưng vì nghĩ nhiêu đó chưa đủ để các em làm nghề nên tôi cố gắng dạy nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn vượt lên cả số tiết quy định. Thông thường sau mỗi buổi học lý thuyết, Thùy cho các em tiếp xúc nhiều với các kỹ năng thực tế và tự đánh giá sản phẩm của chính mình làm ra. Các bạn đều tỏ ra hứng thú và tiến bộ rất nhanh”.
Muốn viết thể thao phải đam mê thể thao
Anh Đức Đồng (phóng viên thể thao của báo điện tử VnExpress.net), hiện đang là giảng viên môn Tường thuật chuyên ngành thể thao cho Khoa báo chí, trường KHXH&NV, TP.HCM. Anh cho biết, công việc giảng dạy đến với anh nhờ cái duyên và anh xem đây như một cơ hội để thử khả năng ở lĩnh vực sư phạm.

Phóng viên thể thao Đức Đồng
Anh nói: “Tôi từng là sinh viên báo chí của trường. Ngày còn theo học, tôi rất thích được học các tiết mà giảng viên là các nhà báo về dạy. Bởi qua từng tiết học ấy, tôi như trải nghiệm được công việc thực tế của mình. Những kiến thức, kinh nghiệm thực tế mà các giảng viên có kinh nghiệm truyền đạt lại cho sinh viên là hành trang quý báu trước khi bước vào nghề. Do vậy, khi nhận được lời mời về truyền đạt lại kinh nghiệm cho các bạn, tôi có chút băn khoăn về kinh nghiệm ít ỏi của mình. Nhưng thấu hiểu được nhu cầu của các bạn sinh viên, tôi nhận lời về “nói chuyện” với các bạn”.
Dù đứng lớp chưa lâu nhưng anh Đồng cũng có nhiều trăn trở về ý thức nghề nghiệp của các bạn sinh viên. Đặc biệt, đối với phóng viên lĩnh vực thể thao rất vất vả, đi nhiều, biết nhiều, tìm hiểu nhiều thì bài viết mới hay, hình ảnh mới sinh động. Do đó, thay vì lên lớp học lý thuyết, giảng viên Đức Đồng đã cho các bạn đi thực tế các sự kiện thể thao ở sân Thống Nhất, sân Tao Đàn… để tác nghiệp như một nhà báo thực thụ.
Anh cho biết thêm: “Tôi muốn các bạn đi nhiều, thực tế nhiều để không còn bỡ ngỡ khi vào xin việc ở một cơ quan báo đài lúc đã ra trường. Đặc thù của phóng viên thể thao không chỉ biết và viết mà còn phải đam mê mới giúp bạn có một sản phẩm hay đến với bạn đọc. Số thời gian trên lớp ngắn ngủi và tôi sẵn sàng truyền đạt, chỉ dẫn các bạn những gì kinh nghiệm ít ỏi tôi có được”.
Biến mỗi tiết học thành một trải nghiệm
Chị Mộng Hoài (Biên tập viên, MC đài truyền hình Việt Nam tại TP.HCM) chia sẻ: “Mỗi tiết học là trải nghiệm cho các bạn sinh viên và cho chính bản thân tôi. Với kinh nghiệm đứng lớp 4-5 năm, tôi thấu hiểu được nguyện vọng của các bạn sinh viên khi bước chân lên giảng đường và nhờ thế, tôi thiết kế bài giảng của mình một các sáng tạo và hấp dẫn nhất. Là một BTV, MC truyền hình, mỗi lần lên lớp là tôi phải có một “trò” gì mới để gây ấn tượng và truyền được cảm hứng học tập cho sinh viên. Bởi thế mà các tiết học của tôi hay bị lố giờ. Nhưng hầu hết sinh viên vẫn ngồi đến cuối cùng và tranh luận rất sôi nổi. Sự nhiệt tình tiếp thu của các em cho tôi cái hăng say mỗi giờ lên lớp.
Nhân ngày 21/6, tôi xin gửi đến tất cả những người làm báo lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và nhiệt tâm hơn với nghề. Sự nhiệt huyết và niềm đam mê cùng với bản lĩnh sẽ cho chúng ta thêm gắn bó với công việc nhiều vất vả nhưng cũng đáng tự hào này!”.

Biên tập viên, MC Mộng Hoài
Chính lòng yêu nghề, khao khát được truyền tải những kinh nghiệm quý báu của bản thân cho lớp trẻ là động lực lớn nhất để giữ họ ở lại với nghề, với bục giảng. Hi vọng những người trẻ sẽ thấy yêu thêm một thế hệ nhà báo không chỉ “quả cảm” trong tác nghiệp mà còn tận tâm trên giảng đường.
Theo Ái Lê/Baodatviet.vn
Được tạo bởi Blogger.