Header Ads

Header ADS

Chuyện của Thiện Tâm

Vì mang trong mình căn bệnh ung thư, sức khỏe đuối dần đến nỗi em không thể trụ lại Sài Gòn để tiếp tục đeo đuổi cái nghề mà em đã làm mọi cách để tiếp cận được. Em về nhà mở một tiệm chụp ảnh hy vọng đỡ đần gia đình ngày nào hay ngày nấy. Tiệm vừa khơi móng thì em lại bị mất cái cần câu cơm cuối cùng là máy ảnh và một số tiền vừa gom góp được để đắp vào cái tiệm. Cùng lúc đó, người đã chìa tay ra giúp em đột nhiên giựt tay lại khiến em bị hẫng...

Mất hết tài sản, lòng tin bị tổn thương, danh dự bị xúc phạm...em như người bị rơi xuống địa ngục...
Mặc dù lúc ấy công việc ngập đầu và có quá nhiều thứ phải lo nhưng tôi vấn thu xếp để chạy xuống với em. Bởi tôi biết, chỉ có lúc đó, khi em đang ở vào hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, sự chia sẻ của mình mới là cần thiết. Tôi cuốn gói lên đường dù chưa đến nơi đó một lần nào. May mắn cho tôi khi lúc đó có một cậu học trò cũng muốn đi thăm em và chúng tôi lên đường vào giữa khuya...Tôi đọc được sự reo mừng trong mắt em và có vẻ như chỉ có dịp này, em mới cho phép mình dựa vào một người khác để tạm nghỉ ngơi.
Lần đầu tiên tôi nghe em kể về quãng thời gian thơ ấu của mình như một sự hồi tưởng đặc biệt. Khi ấy, trong căn nhà của cô em, nhà được xem là tốt hơn nhà của em nhưng tôi vẫn bị nước mưa dột xuống đầu, em đã trải lòng khiến tôi càng phục em hơn.

Tuần rồi, nhận mail em báo đề tài tôi mừng khấp khởi. Khi em gửi lên bài phóng sự này, tôi vui lắm. Em vẫn thế, yếu thì yếu nhưng làm thì phải làm cho tử tế. Tối nay lại nhận cuộc gọi em báo có cái chợ đang cháy, để em chạy...Vậy là em đã khỏe lại và có thể tác nghiệp được rồi. Dù ít, nhưng tôi trân trọng từng tác phẩm của em, vì nó được làm bởi một người rất cần tiền nhưng không bao giờ làm chiếu lệ để kiếm tiền như nhiều người khác vẫn làm. 
Xin phép chia sẻ bài phóng sự mới nhất của em ở miệt Kiên Giang, nơi em phải trở về vì bệnh trở nặng. 
http://tv.tuoitre.vn/tin/12826/thu-tien-ti-tu-than-beo-dat
Và xin được kể câu chuyện đời của em. Chuyện như thế này ạ :
***
Kiều Thiện Tâm sinh ra trong một gia đình có cha là nghệ sĩ cải lương của Đoàn hát Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu. Cuộc sống khó khăn nên cha của Tâm bỏ đoàn hát đi làm tài xế khắp nơi để kiếm sống, mỗi năm chỉ về nhà được một, hai lần. Mấy mẹ con của Tâm về sống cùng với nội ở ấp Đập Đá, xã Vĩnh Phong huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang. Cha đi xa, nhà chỉ có một mình là con trai nên Tâm trở thành trụ cột gia đình từ năm …học lớp 4. 
Khi ấy, thấy mẹ đi làm mướn một ngày không đủ trang trải cơm áo gạo tiền nuôi mấy chị em Tâm đi học vậy là Tâm đi bộ lên chợ huyện lấy trái cây đem vô trường bán. Một thời gian sau gần nhà Tâm có lò bánh mì, nên sáng sớm Tâm dậy từ 4h đi lấy bánh mì rồi lội bộ hết làng trên xóm dưới để bán. Có lần gặp cô giáo hiệu trưởng cô cứ ôm Tâm mà khóc. Cô nói cô chỉ biết Tâm học giỏi chứ đâu có biết học trò của cô cực như vầy. Hôm đó cô mua hết bánh mì cho Tâm rồi đem vào trường chia cho mọi người. Cô dặn “Từ mai, cứ đi bán bánh thì ghé nhà cô mua!”. Lò bánh mì dẹp tiệm Tâm lại đi bán bánh cam, bánh chuối chiên. Cứ học một buổi đi bán một buổi, ngày nào nghỉ học thì bán nguyên ngày. 
Thời thơ ấu, Tâm chẳng bao giờ có được một cuốn tập trắng. Bút thì …đi lượm những cái bút tắc mực của mấy bạn nhà giàu dục bỏ để dùng lại. Cái nào bị hư bi thì lấy ngòi ra rồi …thổi mực vào bút của mình để viết. 
Đi ngang trường tiểu học Vĩnh Phong 3, Tâm chỉ “Hồi đó, em học ở điểm lẻ gần nhà nhưng mỗi năm đều được lên trường này để nhận phần thưởng. Háo hức lắm vì được 12 cuốn tập đủ viết trong một năm đó chị, đỡ được tiền tập.”
Ở nhà, chị gái theo mẹ đi làm mướn được trả công bằng 1/3 người lớn, thỉnh thoảng cuối năm cha về nhà cho tiền ăn tết rồi lại đi. Không nhiều, vì cha làm cũng chỉ đủ nuôi cha. Trong ký ức của Tâm, hình ảnh người mẹ tảo tần luôn khiến Tâm phải rướn hơn cái sức của mình.

hình ảnh trong chuyết đi thăm Thiện Tâm)
Đến năm học lớp 8, tình cờ Tâm đọc được tờ báo Mực Tím, rồi thấy mình cũng có thể viết được như những bài trên báo nên Tâm viết bài và gửi đi. Nhưng lúc ấy, viết bài gửi đi chỉ là để trải lòng không ngờ có một ngày, một cô bạn trong lớp đặt báo dài hạn đã đưa cho Tâm tờ báo có tên của Tâm và hỏi “Phải Tâm viết không?” thì Tâm thấy đúng là tên của mình, đúng là cái tựa của mình, nội dung của mình nhưng cách thể hiện thì bị sửa nhiều. Dù vậy nhưng Tâm rất vui. Sau đó bất ngờ hơn là Tâm còn nhận được phiếu báo lãnh tiền. Xưa nay chẳng có ai gửi gì cho Tâm hết, nên nhận giấy của bưu điện Tâm rất hoang mang. Cầm trên tay 60.000 đồng tiền nhuận bút ra khỏi bưu điện rồi mà Tâm cứ ngoái lại xem có ai đuổi theo mình đòi lại không? Đem tiền về Tâm cất nguyên không đụng đến để lỡ có ai đòi thì còn có đủ mà trả. Một tuần sau thì Tâm nhận được báo biếu, lúc đó Tâm mới hiểu, à, viết báo thì có tiền, mà còn nhiều tiền nữa, bằng những 3 ngày mẹ đi làm mướn cực khổ. Mơ ước đi làm báo nhen nhúm trong Tâm từ đó.
hình ảnh trong chuyết đi thăm Thiện Tâm)

Nghe nói thi vào báo chí phải biết tiếng Anh nên đến hè năm học lớp 9 Tâm quyết tâm học Anh văn bằng cách tìm đến thành phố Cà Mau ở nhờ nhà người quen để đi bán vé số và học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ Sao Mai. Cho đến bây giờ, Tâm cùng chúng tôi quay trở lại Thành phố Cà Mau, nhiều người còn nhận ra cậu học trò bán vé số hiếu học ngày nào. Hết mùa hè đó tiếng Anh giỏi lên, trừ hết mọi chi phí Tâm còn dư hơn 400.000 đồng mua tập, sách và một chiếc xe đạp cũ để đi học vì lên cấp 3 nhà cách trường tới 9km. Đến hè năm học lớp 10 Tâm định đi bán vé số tiếp thì tình cờ khi đi thăm người quen ở Sóc Trăng Tâm đã ra chợ phụ họ bán trái cây, rồi người quen giữ lại phụ bán suốt 3 tháng hè. Nhờ lanh lẹ, hoạt ngôn nên Tâm bán được rất nhiều hàng. Hè năm đó Tâm cũng kiếm được tiền mua sách vở và 1 cái áo mới. Đến hè năm lớp 11 thì Tâm lên chợ ở phường 8 thành phố Cà Mau bán gà vịt phụ mợ. Khách đi chợ cũng lại thích mua gà vịt của Tâm nên hè năm đó Tâm vừa đổi được chiếc xe đạp cũ sắp hư, mua tập, sách đi học còn mua được một chiếc xe đạp mới cho em gái út ra trường huyện học. “Năm đó trường nhập học sớm, nên em về gấp. Sau này xuống thăm lại chợ nghe chị bán rau kể có cô mua vịt quen mấy ngày liên tục cứ đi vòng vòng chợ đợi mua vịt của em. Nghe mà thấy còn nợ của người khách hàng một lời từ biệt chị à. Lâu lắm rồi em mới được ôn lại ký ức như thế này. Tự nhiên thấy mình giàu có quá!”
                                     ( hình ảnh trong chuyết đi thăm Thiện Tâm)
Đậu đại học Khoa học xã hội và nhân văn khoa báo chí, lên Sài Gòn học Tâm bắt đầu cộng tác với các báo rồi tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ truyền hình. Dù là sinh viên đại học nhưng dáng vẻ của Tâm như một cậu học sinh lớp 7. Tâm coi đó là lợi thế để làm những đề tài gai góc. Sự xuất hiện của Tâm ở hiện trường không gây cảnh giác cho ai cả nên Tâm tự do tác nghiệp. Cái tên Thanh Huy xuất hiện dày hơn trên trang truyền hình của báo Tuổi Trẻ. Mỗi tác phẩm dù là tin cũng cho thấy lao động nghề nghiệp nghiêm túc.
Gần 3 năm trước, đang học thì Tâm phải vội vã về quê nhờ gia đình vay mượn tiền để đi chữa bệnh ung thư máu. Cứ tưởng phát hiện bệnh sớm thì sẽ chữa khỏi nhưng càng ngày sức khỏe của Tâm càng yếu đi, những tuần sốt dày hơn, những ngày khỏe Tâm phải cố cày để lo tiền thuốc. Tết năm nào Tâm cũng ở lại trực thời sự, nhưng tết năm rồi Tâm bảo sẽ về quê ăn tết cùng gia đình. Thế nhưng đến cận tết, Tâm gọi điện xin tôi cho ở lại trực tết. Tôi biết sức khỏe của Tâm đã yếu, nên khuyên Tâm về quê ăn tết để hít thở không khí trong lành biết đâu sẽ hơn ở Sài Gòn. Nhưng Tâm òa khóc. Một chàng trai luôn mạnh mẽ, gai góc với nghề, xem thường bệnh tật và luôn lạc quan bỗng òa khóc bấn loạn khiến tôi vô cùng lo lắng. Em gái của Tâm, cô em gái mà Tâm hết mực thương yêu đến nỗi rủ theo cùng nghề cũng vừa biết mắc bệnh nan y. Tâm quyết định rất nhanh, ở lại cày tết kiếm tiền chữa bệnh cho em. 
Cần tiền như thế, nhưng Tâm chưa từng làm đề tài nào theo kiểu làm cho xong. Dù chỉ là cái tin nhưng Tâm cũng phải làm thật chỉnh chu về nội dung, hình ảnh phải đảm bảo chất lượng, nếu chưa vừa ý là Tâm chưa nộp. 
Đầu năm nay, một lần nữa tai họa lại giáng xuống nhà Tâm khi người chị gái của Tâm gặp tai nạn giao thông cùng chồng. Chồng chị không qua khỏi còn chị thì bị nứt sọ. Họ có một bé trai 3 tuổi. Tâm lại tất tả chạy về bệnh viện tỉnh Cà Mau lo cho chị.
hình ảnh trong chuyết đi thăm Thiện Tâm)

Khoảng hai tháng trở lại đây, sức khỏe của Tâm yếu dần. Tâm đã không còn cầm máy đi làm được nữa. Còn một số môn ở trường cũng đành gác lại. Có một mạnh thường quân thường hay đi làm từ thiện cùng Tâm (Dù mang bệnh nhưng Tâm thường xuyên đi làm từ thiện, kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ hỗ trợ cho những người gặp khó khăn) đã về quê của Tâm. Thấy cuộc sống gia đình Tâm quá khó khăn và Tâm thì đang định cầm sổ đất để vay ngân hàng mở tiệm chụp hình, mạnh thường quân này đã đề nghị Tâm làm tiệm luôn mà không cần chờ vốn ngân hàng. Họ sẽ đầu tư cho Tâm kinh doanh. Hiểu được tấm lòng của bạn nên Tâm đã xúc tiến việc xây tiệm. Khi tiệm vừa khơi móng thì Tâm bị mất máy ảnh – cái máy duy nhất để Tâm có thể mưu sinh ở quê nhà và hơn 11 triệu đồng vừa gop góp từ nhuận bút và vay mượn mua vật liệu. Đang chưa biết xoay sở ra sao thì người mạnh thương quân kia đột ngột cắt vốn, không đầu tư nữa. Tâm như rơi xuống vực, nhưng rồi Tâm lại tự khuyên mình “kiến tha lâu đầy tổ”. Tiệm thì cũng bày ra để xây rồi, thôi đắp lại, tìm mua máy ảnh trả góp để giải quyết các đơn đặt hàng chụp đám cưới mà Tâm đã nhận, có thêm đồng nào thì lại xây thêm.
                                   ( hình ảnh trong chuyết đi thăm Thiện Tâm)
Bạn bè biết chuyện đã góp cho Tâm đủ tiền để mua máy ảnh khác, đắp thêm một phần cho cửa tiệm nên hình. Ông trời dừng như thích thử lòng người. Bức tường của cửa tiệm vừa tô xong thì mưa như trút. Toàn bộ vữa trôi hết theo nước giơ ra cả mảng tường toàn gạch. 
Trong căn nhà ở xứ “muỗi bay như sáo thổi”, nước mưa dột xuống ướt võng, ánh sáng bên ngoài theo khe lá tưới vào phòng, mặc dù sức khỏe đang trên đà xuống dốc nhưng Tâm vẫn hồn nhiên bàn, “Chắc là em sẽ cầm sổ đất để vay nặng lãi. Nếu có cửa tiệm đàng hoàng, mọi người trong vùng biết đến họ đến đây chụp hình thì khoảng 2 năm em sẽ lấy lại được sổ. Em muốn đào tạo mấy em chưa có nghề nghiệp mà con nhà nghèo trong vùng này cái nghề chụp ảnh, để sau này không có em, các bạn ấy sẽ có nghề mưu sinh và người ở đây không phải đi xa hay chụp hình với giá đắt đỏ. Hai năm, em còn kịp làm được mà phải không chị?” 

Được tạo bởi Blogger.