Header Ads

Header ADS

Mình không thể im lặng...


Hôm nay thấy trên mạng rần rần vụ này. Mình thường không tham gia các cuộc tranh luận trên mạng nhưng ...đụng đến Trường Sa thì mình lại không im được.

Có thể nói con tàu HQ996 là một con tàu tốt nhất, có điều kiện hơn những con tàu khác mà mình đã từng đi ra Trường Sa. Dù, các tiện nghi mà bạnTín Duy Nguyễn kể không có gì sai. Thậm chí có lần mình ở trong cái phòng mà cái "máy lạnh" ấy còn nhỏ giọt nước suốt cuộc hải trình cơ. 


NSND Lan Hương (khoác túi) rời tàu, đi sau một người của Hải quân đang kéo vali giùm chị - Ảnh: facebook Lê Phi

Ngoài 3 lần may mắn được đi tàu HQ 996 thì mình còn trải nghiệm HQ936. Nhưng gian nan nhất có lẽ là tàu vận tải các bạn ạ. Tàu vận tải không hề có phòng khách và càng không có cái "ống nhòm" nào để 20 phút được mát 1 lần đâu Tín ạ. 

Mình đã có vinh dự được đi trên nhiều con tàu vận tải như thế ví dụ như Trường Sa 14, HQ628...những con tàu có trọng tải chỉ 450 tấn. Ra cửa biển là nó lắc như chiếc lá giữa dòng xoáy luôn. Nói thế để biết rằng đi tàu HQ996 là một đặc ân í.

Tuy nhiên, nếu cô Lan Hương quyết định dừng chuyến đi thì điều thiệt thòi đầu tiên thuộc về cô ấy. Như các bạn nói, nhiều người ước ao mãi mà chẳng được đi. Như mình đây, năm nào mình cũng xếp hàng nhưng cơ quan mình đã "ngó lơ" mình mấy năm rồi không cho mình đi nữa. Mình vẫn chưa đặt chân đến hết các đảo. Ao ước lớn nhất của mình là mỗi năm được đi Trường Sa một chuyến nhưng hai năm rồi mình đã bị gạt tên. Hic hic. 

Và, nếu thật sự cô ấy có bệnh thì việc quyết định ở lại là cô ấy thể hiện trách nhiệm với đoàn. Bởi nếu có chuyện không hay xảy ra sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc hành trình. Cứ cho là Quân chủng sẽ cho trực thăng ra giải quyết nhưng như vậy cũng không thể gọi là an toàn đối với một người bị hen và còn tốn kém nhiều cho Hải quân nữa.

Mình đã từng gặp sự cố trên biển. Lần đầu tiên là khi mình đi trên còn tàu Trường Sa 14. Cơ địa của mình không dung nạp được con ốc nhảy. Ăn vào là đau bụng, người sẽ nhũn ra như bị trúng gió, vật vã đến xỉu luôn. Thế nhưng có một hôm, có một đảo chìm tặng cho tàu một bao ốc nhảy. Trong bữa cơm có dọn lên, mình không dám đụng vào nhưng các anh sĩ quan hải quân lại nghĩ là mình ngại nên ...cứ ngồi khêu ốc nhảy bỏ vào bát của mình, bỏ đầy bát luôn. Vì trên tàu có 1 mình mình là nữ nên được quan tâm hơi kỹ. Không thể mất lịch sự đến mức bỏ mấy con ốc đó ra ngoài sau khi đã thanh minh rất nhiều nhưng các anh không chịu nghe thế là mình ...làm liều ăn luôn. Không cần đợi lâu, khi vừa ăn cơm xong mình về chỗ nằm thì bụng bắt đầu lên cơn cuộn. Mình lịm luôn đi đến nỗi bác sĩ đi theo tàu phải ra tay xử lý. Còn mình thì cũng vật vã nguyên buổi chiều trong tình huống khiến cho mọi người bận rộn lên. Từ đó, mình nói mình không ăn được cái gì là không ai dám gắp cho mình nữa.

Lần thứ hai là mình ...bị tai nạn giao thông ngay trước ngày rời cảng. Nguyên bàn chân bị chà sát xuống đường bong tróc. Đầu giờ chiều nay bị thì sáng mai đi. Làm sao đây? Nếu hủy chuyến đi chắc chắn mình sẽ bị nói là đào ngũ. Trước một chuyến đi mang tính lịch sử của HTV - đem nghệ thuật ra diễn ở Nhà giàn - mà ngay trước chuyến đi có người đào ngũ thì không hay ho gì. Nếu duy tâm chắc chắn sự việc của mình sẽ bị gắn liền với thành công hay không thành công của chương trình. Mà mình không chỉ yêu HTV, mình còn quí cái tình mà các anh chị bên ấy giành cho mình, thêm nữa, mình đi không phải với tư cách cá nhân, mình đi với tư cách là người của Tuổi Trẻ. Xưa nay, báo Tuổi Trẻ chỉ có tiến lên, không có đào ngũ...nhưng nếu mình đi và cho biết là mình bị tai nạn ngay trước giờ đi thì còn gây hoang mang hơn. Ai lại trước giờ đi làm chương trình quan trọng như vậy mà lại bị té xe! "có điềm gì không?" ...rồi nhiều suy nghĩ khác cũng rắc rối không kém gì phương án 1. Trong lúc đang rất đau vì bị mất máu, rát vì chân chà xuống đường nhựa nóng bỏng, mình đã nhờ một bạn đồng nghiệp chở vào bệnh viện trong trạng thái máu nhỏ giọt trên đường như Mỵ Châu rải lông ngỗng vậy. Và, dạ thì rất ngổn ngang. Đi hay ở cứ lẩn quẩn trong đầu mình. 

Sau khi băng bó cho mình xong thì bác sĩ hẹn ...ngày mai quay lại. Mình bảo mai mình phải đi công tác rồi. Bác sĩ có cách gì giúp không? Bác ấy nói chắc như đinh đóng cột : Không thể nói trước được điều gì. Chân bị thế này chưa biết có nhiễm trùng không. Phải chờ ngày mai tái khám mới được. 

Mình gọi điện cho một bác sĩ quen mà theo mình là anh ấy có thể cho mình lời khuyên tốt nhất. Và sau khi nghe mình "trình bày hoành cảnh" anh đã chuẩn bị cho mình tất cả những gì cần thiết để mình "ra trận".

Sáng hôm đó mình xuống tàu với cái chân băng bó nhưng được ngụy trang bằng quần dài ống rộng, bước chân ngắn hơn, đi nhẹ nhàng hơn để mọi người không phát hiện ra sự bất thường. 

Ơn trời là không ai phát hiện ra, (thực ra là bạn Lê Phước Lập có nhìn thấy và chỉ vào nó hỏi nhưng mình đã xua đi và lẩn ra chỗ khác, may là bạn ấy không "truy cứu"). Thế là mình xuống tàu an toàn. 
Xuống đến tàu HQ996 thì mình không thể giấu được chị em chung phòng vì cái chân lúc đó đã sưng và buộc mình phải gỡ ngụy trang ra. Mình nhờ mọi người dấu giùm. Và mình đã tác nghiệp trên tàu theo kiểu khi nào đau thì về phòng nằm giơ chân lên, đỡ đỡ là lại mò ra ngoài tranh thủ quay vì thực tế mình cụng không biết mình sẽ "cầm cự" được đến khi nào.
Rất may là khi mình xin anh Dang Xuan Duong cho mình lên Nhà giàn để tác nghiệp (chương trình chia nhóm, một nhóm ở lại dưới tàu, một nhóm lên giàn, mình xin lên vì mình nghĩ lên đó có nhiều chất liệu để khai thác hơn) khi mình xin lên thì anh Dương vẫn chưa biết cái chân của mình có vấn đề nên đồng ý ngay. Chỉ chờ có thế mình xuống phòng sắp xếp đồ đạc và ra đi chuyến tàu chuyển người lên giàn đầu tiên. Lên được giàn là an toàn. haha
Lên giàn một cái là mình tìm ngay đến bác sĩ Rùa Biển Nguyễn nói tình hình của mình và xin được giúp đỡ. Và cũng như khi trên tàu, cứ êm êm là mình lò dò ra ngoài quay, sưng lên thì lại vào giường nằm. 
Có lẽ cái chân nó hiểu được mình nên nói đợi cho đến khi mình về tới đất liền nó mới chịu ...nhiễm trùng nặng. Ở ngoài biển nó chỉ sưng lên cho có kịch tính vậy thôi, mình vẫn tác nghiệp chung với nó được.
...
Xung quá kể hơi dài, nhưng kinh nghiệm cho thấy, bất cứ ai đi biển cũng nên biết rõ cơ thể của mình để chuẩn bị mọi thứ dự phòng. Bước xuống tàu không phải là đất liền, không phải muốn là phi ra chợ mua được hay chở đến bệnh viện được. Và nên tìm hiểu kỹ về phương tiện và điều kiện mình sẽ đi để lường trước được khó khăn thế nào? khắc phục được không? nếu không thì báo với Ban tổ chức ngay từ đầu, đừng để xảy ra tình trạng xách va li xuống phòng rồi mà đi lên thì ...khó đỡ. Thật ra trong những chuyến mình đi Trường Sa cũng có người đến lúc đó bận không đi, hoặc vì sao đó không đi nhưng chả ai quan tâm đến việc đó cả, chỉ biết là quân số bị giảm đi, thế thôi. 
Quân chủng cũng nên có những cảnh báo đối với một số bệnh sẽ gây khó khăn trên tàu như tim bẩm sinh, hen, thậm chí là say sóng. Bởi có chuyến mình đi gặp một bác phóng viên đài Khánh Hòa bị say sóng nằm luôn tại chỗ từ ngày đi đến ngày về chả biết cái đảo ra làm sao thì cũng tội. Lại mất công anh em phục vụ. Cũng có chuyến gặp một người bị gút nên cũng chỉ ở trên tàu nhìn người ta vào đảo mà ngậm ngùi, chưa kể trên tàu tổ chức câu cá, có cá tươi, mực tươi roi rói nhìn thôi là muốn xơi rồi nhưng dù có mù tạt, dù có chanh thì anh ấy cũng không dám ăn vì sợ ...đau. Tiếc đứt ruột.
Lời cuối, ai cũng thế, khi có chuyện gì sảy ra nên hỏi xem cụ thể nó là chuyện gì. Đừng nhìn vào hiện tượng mà phán, rồi lại còn tung lên mạng dễ gây tâm lý đám đông hùa theo chặt chém, có khi vô tình nhưng trở thành độc ác. Mình tin, nếu bộ đội hải quân biết tình trạng của cô Lan Hương như vậy họ dù buồn lắm vì cô không đi cùng nhưng cũng sẽ khuyên cô ở nhà cho an toàn. Vì dù sao, bộ đội cũng làm nhiệm vụ bảo vệ nhân dân mà. (câu này mình đã nghe môt chú bội đội hải quân nói trong một tình huống tương tự).
Được tạo bởi Blogger.