Header Ads

Header ADS

Làm nghề có tâm

Nhiều năm trước, khi tôi còn là một sinh viên, tôi đã tham gia viết báo. Mở ngoặc ở đây rằng tôi không phải là sinh viên báo chí, tôi học Nữ công, trường ĐHSPKT. Tuy chỉ là đứa học nấu nướng (vâng, cho đến giờ mà vẫn còn có người kỳ thị cái chuyện tôi học nữ công mà đi làm báo nên vui vui là đem ra nhiếc móc nên tôi cũng phải khẳng định cho nó danh chính ngôn thuận) nhưng ngay từ bài viết đầu tiên khi gửi cho báo tôi cũng đã biết, tít tựa là phải tô đậm, căn giữa dòng. Xuống dòng phải thụt vô 3 ô và viết hoa chữ đầu tiên. Câu cú rõ ràng, dấu chấm, dấu phẩy được phân biệt rõ. (Có lẽ vì vậy mà ngay từ bài đầu tiên tôi gửi đăng báo nó đã không bị biên tập dù chỉ là một dấu chấm, dấu phẩy nào.). Cuối bài thì ký tên bút danh (hồi đó khoái vụ bút danh lắm) ở góc phải của trang giấy nhưng bên góc trái cách dưới chỗ ký tên bút danh khoảng 2 hàng chữ là ghi rõ ràng địa chỉ liên hệ được bắt đầu là : 
"Kính gửi Tòa soạn (sau này quen một số anh chị rồi thì ghi thẳng tên của họ): Nếu có gì cần trao đổi anh chị vui lòng gọi số (...); Em là (tên họ đầy đủ) ở (địa chỉ chi tiết). Cảm ơn anh chị!"

Vì hồi đó chưa có thư điện tử phổ biến mà chỉ dùng thư giấy nên bên cạnh bài, tin được viết riêng thì tôi luôn viết kèm một lá thư gửi Tòa soạn để trình bày về cái tin mình gửi. Nhiều khi chỉ có vài dòng ví dụ như "Kính gửi Tòa soạn báo ..., em tên là..., em có bài ....gửi đến báo .... Mong anh chị xem và nếu đạt thì xử lý giúp em! Em cảm ơn ạ!

Ký tên.




Sau này có thư điện tử, có điện thoại di động nữa nên mỗi khi gửi thư đi xong là tôi đều nhắn tin báo cho nơi nhận tin bài biết. 

Đó là chuyện "lễ nghĩa". Còn tiến độ thì bao giờ tôi cũng cố gắng làm nhanh nhất có thể. Thời đó thông tin chưa cạnh tranh khốc liệt như bây giờ, nhưng tôi đã nghĩ thế này, nếu tôi viết tin sớm, gửi sớm, Tòa soạn có thời gian thẩm định, và nếu thấy có thể dùng được mà cần bổ xung gì đó chắc chắn họ sẽ liên lạc để dùng cái tin hay bài đó. Hơn nữa, những tin dạng thời sự, làm xong là gửi ngay để Tòa soạn chủ động. Tôi cố gắng làm thế nào để ít làm phiền nhất cho Tòa soạn, bởi tôi nghĩ, nếu tôi ít làm phiền, thì cơ hội tin bài của tôi được đi sẽ cao hơn. Ở đây không có tiêu cực, mà đơn giản là Tòa soạn còn phải có kế hoạch của họ, họ phải chủ động làm trang chứ không thể ngồi chờ đến chiều xem có gì không rồi lúc đó mới thiết kế trang được. 

Làm truyền hình càng phải gửi sớm hơn vì BBT còn phải duyệt hình, còn dựng, mất nhiều thời gian hơn. Vậy nên, thường những tin sự kiện thì tôi lấy thông tin và viết ngay khi sự kiện đang diễn ra, dù khi đó phải viết bằng giấy, nếu có gạch xóa là phải bỏ tờ giấy viết lại từ đầu. Ấy vậy nhưng tôi vẫn làm như một thói quen. Thường thì khi sự kiện diễn ra xong thì tôi cũng cập nhật thông tin cuối cùng và xong luôn tin rồi gửi đi luôn. 

Khi tôi làm tổ chức sản xuất, tôi muốn những đồng nghiệp của tôi làm việc chuyên nghiệp trong cả cách đặt tên tập tin. Vì thế tôi đã soạn thảo ra một cái mail rất đầy đủ từ cách đặt tít tựa, cỡ chữ, cách trình bày một văn bản lời bình truyền hình, ký tên, cách ghi đường dẫn phim, báo cáo ghi hình, cách đặt tên tập tin...

Khi triển khai một đề tài, bao giờ tôi cũng dõi theo đến tận nơi để xem anh em làm thế nào? Thiếu cái gì? lúng túng cái gì? Cần hỗ trợ gì? Có khi còn phải viết mail chỉ cho cách quay từng đoạn hình, cách khai thác từng bối cảnh...Tôi dễ nổi cáu nhất là khi thấy anh em bỏ quá nhiều công sức ra mà làm chẳng được gì. Lúc đó, tôi thấy mình bất lực, và phần lớn nổi cáu vì sự bất lực đó. Bởi, anh em đi làm mà không thu lại được kết quả gì khiến tôi thấy tiếc. Và vì tiếc mà nói không được nên dễ nổi cáu...Giờ thì tôi đã ít cáu hơn nhiều rồi, bởi tôi hiểu rằng nếu họ làm tốt thì chắc chắn họ không ở vị trí đó. Vậy nên tôi nhẫn nại chỉ thêm nếu thấy họ có cố gắng, và có khi bỏ luôn nếu tin bài chẳng quan trọng và họ làm việc cẩu thả.

Nhưng rồi tôi đã rất buồn khi có những người vừa làm việc cẩu thả nhưng lại vừa to tiếng. Họ không chỉ to tiếng với tôi mà còn phàn nàn với một số người khác nữa. Những người khác ấy chả hiểu câu chuyện thật sự là gì nhưng nghe thấy họ phàn nàn thì cứ "oánh giá" rằng tôi làm việc không có tâm trước cái đã. Cuộc sống bây giờ vui ghê luôn. Mang tiếng làm báo thì làm gì, viết gì cũng phải kiểm chứng, nhưng hành xử thì vội vã hơn thế nhiều. Ví như có một trường hợp, sự kiện xảy ra tối khuya nay, sự kiện chỉ đáng viết cái tin, thì khuya về bỏ ra 15 phút viết cái tin bấm gửi đi là xong. Nhưng không, để tới ...gần 15h chiều mai mới gửi cơ. Và khi tôi góp ý rằng những tin như vậy nên gửi sớm để tôi đưa vào bản tin thời sự trong ngày cho kịp chứ để như vậy kẹt anh em quá thì tỏ ra không vui và đi phàn nàn. 

Bản tin trong ngày đã làm xong, chỉ cập nhật những tin thật sự nóng, cái tin này không phải là tin đặc biệt, nhưng nếu không đưa bản tin trong ngày mà để đến hôm sau thì cũ và dở, mà đưa thì ảnh hưởng đến nguyên một dây chuyền từ biên tập, đọc, lên hình, dựng...trong khi tin không có gì là ngiêm trọng hơn những tin khác thì việc bóc tin khác ra đưa tin trễ đó vào đã là gây rắc rối cho nhóm trực. 

Thường thì tôi vẫn cập nhật tin đến giờ chót có thể được, miễn đảm bảo giờ lên mạng. Nhưng, đó phải là những tin tức đặc biệt. Sẽ không công bằng cho những người làm việc chỉnh chu, làm sớm khi mà có những người sự kiện xảy ra xong để đó chán mới gửi tin khiến nó bị trễ luôn nhịp thời sự. Cách làm đó không thề gọi là có tâm được. Chưa nói tới bây giờ thông tin được đưa lên mạng, cập nhật từng giây, từng phút. Sự cạnh tranh khốc liệt ấy đòi hỏi những người làm nghề phải nắm rõ thông tin, xử lý nhanh và chuẩn xác. Có như vậy thì mới mong tên tuổi của mình tạo nên thương hiệu, và đó mới thật sự là có tâm với nghề. Hãy nhìn đến trang THTT chứ đừng chỉ nhìn một bản tin, hãy nghĩ rằng tin của mình cập nhật nhanh đến thế nào và trước thiên hạ ra sao chứ đừng chỉ nghĩ tin được lên là xong không cần biết nó lên khi nào và lên ra làm sao?

Mình hy vọng rằng, những chia sẻ này không bị qui vào một tội danh nào đó. Bởi, kỹ năng làm nghể tử tế thì ai cũng cần, và mình mong, mọi người cùng hợp tác để cùng xây dựng thương hiệu chứ không chỉ là làm tin để đếm tiền nhuận bút.

Minh Thùy

Được tạo bởi Blogger.