Header Ads

Header ADS

Câu hình là gì?

"Câu hình là gì?" là câu hỏi mà không phải bất cứ một người nào mới vào nghề làm truyền hình cũng dễ dàng trả lời được. Không biết giáo khoa trong các trường dạy về truyền hình có quan tâm đến vấn đề này không nhưng với tôi để hiểu được câu hình là gì thì khi đi làm cùng quay phim tôi vừa phải quan sát xem vì sao họ lại quay như thế? Vì sao họ đứng góc đó mà không phải góc này? Vì sao họ phải di chuyển nhiều mà không phải là đứng một chỗ?

Sau đó về nhà, tôi lại cặm cụi ngồi với dựng phim xem họ chọn hình. Sao họ không lấy cái hình mà tôi thấy cũng rất đẹp? Sao lại phải có người nói và người nghe? Sao lại phải dùng hình biểu tượng?

Rồi khi tin được phát, tôi lại xem thành phẩm khi lên sóng thế nào? Không chỉ xem ở kênh mình làm mà nếu là sự kiện được nhiều kênh quan tâm thì tôi lại xem ở những kênh khác xem họ khai thác ra sao? Họ làm thế nào với cùng một sự kiện? Ngoài ra tôi không bao giờ bỏ qua các bản tin 6h, 19h, và 23h của VTV1. Xem không chỉ để nắm thông tin mà để trả lời những thắc mắc "vì sao" của mình. Để biết đồng nghiệp tiếp cận và thể hiện nguồn tin như thế nào?

"Câu hình" nếu nói với dân truyền hình, đặc biệt là quay phim hay đạo diễn hình thì đó là chuyện "nhỏ như con thỏ", thế nhưng có một thực tế rằng tâm lý của Quay phim là ...đã có Dựng phim. Cứ quay đi rồi về người dựng phim sẽ chọn. Vì chủ quan như vậy nên có những khi ...quên mất những cỡ cảnh, hoặc những cảnh cần khiến cho khi đem hình về nhà, Dựng phim không cách gì dựng được vì ...hình thì quá nhiều nhưng những cảnh cần thì ...không có.
Tôi không được đào tạo bài bản, chỉ với kinh nghiệm bản thân hơn 10 năm cầm máy và gắn bó với nghề trong tất cả các khâu, đi theo quan sát và may mắn được làm việc với nhiều Nhóm chuyên nghiệp của Đài quốc gia nên tôi có thể chia sẻ nôm na như sau :

Câu hình là một câu nói được thể hiện bằng hình ảnh. (Hình ở đây được hiểu là hình quay phim chứ không phải hình chụp).

Ví dụ : Vợ chồng nhà ổi đang trò chuyện với nhau ở bàn làm việc.

Để diễn đạt được hình ảnh này với truyền hình ít nhất bạn cần có 3 cảnh quay. 

Cảnh 1 : Giới thiệu vợ chồng ổi bằng cảnh toàn bao gồm cả cái bàn và hai vợ chồng ổi (3giây thành phẩm - quay khoảng 6 giây hình thô. Vì sao phải quay 6s trong khi chỉ lấy 3s? Vì khi bấm máy hình thường chao đảo, chưa ổn định, dựng phim sẽ cắt gọt phần đầu và phần đuôi đi để chọn ra đoạn hình ổn định và êm nhất.).


Cảnh 2 : chồng ổi đang nói chuyện ( 6 giây) ;


Cảnh 3 : Vợ ổi đang nghe ( 6 giây).


Như vậy mới có thể nói là vừa đủ 1 câu. Nên thêm một cảnh trung qua vai nữa cho đẹp.
Ngoài ra, bạn có thể quay thêm nhiều cảnh nữa ở nhiều góc khác nhau cho câu chuyện thêm sâu và đặc sắc. Nhưng nhớ nguyên tắc giao tiếp trong khuôn hình nhé! Nếu bạn thấy "nguyên tắc giao tiếp trong khuôn hình" còn mơ hồ thì tôi sẽ bàn về nội dung này trong một bài khác nhé!
Ở đây cần phải phân biệt rõ, đối với báo in, hoặc những bài viết trên báo điện tử thì có khi chỉ cần 1 tấm hình (chụp) là tác giả có thể tán câu chuyện ra cả trang báo. Nhưng với truyền hình, điều đó là không thể.
Bạn không thể cầm máy quay phim đứng ở một góc duy nhất rồi bấm máy với 1 cỡ cảnh khoảng vài chục phút mà cho rằng như vậy là đủ hình. Dù là quay 6s hay quay vài tiếng thì với 1 góc máy, một cỡ cảnh người ta cũng chỉ lấy khoảng 3 giây mà thôi. Có một số trường hợp đặc biệt khi câu chuyện của hai người trong khu hình quá hấp dẫn, nhưng cũng không ai để 1 khung cho hai người nói chuyện quá lâu. Nó sẽ nhàm chán. Trong truyền hình dù là tường thuật một cuộc nói chuyện giữa hai ngừơi thì Quay phim vẫn phải thường xuyên thay đổi cỡ cảnh, góc máy người nói, người nghe, thậm chí phải thoát khỏi hai người này để bắt máy vào bông hoa trên bàn, bàn tay nhân vật, văn bản, logo...hay bất cứ thứ gì khác liên quan đến nội dung câu chuyện để chèn vào cho khung hình bớt nhàm chán.
Đấy là đề tài chỉ có hai người. Còn nếu đề tài trong hội trường hay về một người lao động thì lại khác.
Tôi nhận được 02 cuốn băng, mỗi cuốn 60 phút của một công tác viên. Anh là người rất ham làm TH  nhưng vì không có khái niệm cơ bản nên anh gửi cho tôi chừng ấy hình và trong đoạn phim dù có cắt cảnh nhiều lần nhưng vẫn là khung hình một chàng trai đang xay bột với bối cảnh đầy đủ chàng trai, cái cối xay bột, bột chảy xuống.
Câu chuyện của anh rất hay. Đó là sự vượt khó của một chàng trai khiếm thị. Anh vượt qua số phận của mình bằng nghề xay bột. Tất nhiên, để biết xay bột và làm nghề này phục vụ khách hàng thì anh phải vượt qua rất nhiều trở ngại, khó khăn...
Nhưng câu chuyện của chúng ta ở đây là câu hình.
Chỉ riêng hành động xay bột thôi, bạn nên quay nhiều cảnh. Mỗi cảnh sẽ bấm máy khoảng từ 6 đến 10 giây.
Ví dụ :
Cần một cảnh toàn anh chàng đó đang ngồi xay bột. Trong khung hình có đầy đủ nhân vật, cái cối xay, bột chảy.
1 cảnh cận vào bàn tay anh chàng đang đẩy cái cối.
1 cảnh cậy cái cối đang xoay.
1 cảnh cận gương mặt đẫm mồ hôi của anh chàng.
1 cảnh trung gạo đang nằm trong cối đang xoay.
1 cảnh trung dòng bột đang chảy xuống cái thau đựng.
1 cảnh cận vào thau bột đang đầy dần lên.
....
Như vậy thì khi nối các đoạn phim vào với nhau mà dân trong nghề gọi là “dựng phim” thì mới có được một câu chuyện sinh động về hình ảnh.

Còn với những đề tài khác thì câu hình còn phải chú ý nhiều hơn. Góc máy, trục ... tôi sẽ dành thời gian để nói về những vấn đề này ở cái bài sau. Hy vọng mọi người sẽ có được thêm chút kinh nghiệm và có những sản phẩm tốt hơn.

05/01/2011 08:58 am
Minh Thùy
Được tạo bởi Blogger.