Thiên thần ở trong tâm
Đọc bài viết này "hãy cố lên! 10 phút nữa bạn sẽ có 1 thiên thần." tôi
nghĩ ngay đến cô mụ rừng xanh mà tôi đã có dịp được chứng kiến em đỡ đẻ. Giữa
một quả đồi hoang vu, trong căn chòi rách, một sản phụ đã vỡ ối từ lúc 5 giờ
chiều nhưng đến giờ này, 10h30 đêm đứa trẻ vẫn nhất quyết chưa chịu ra. Nơi em
đứng là một tấm vải mưa tràn máu, phân, nước tiểu…và tất cả những gì sản phụ
dặn ra trừ đứa bé! Hơn 5 tiếng đồng hồ, em cứ đứng như thế. Mỗi khi sản phụ lên
cơn đau em lại dịu dàng hón : chị cố lên nào! Lấy hết sức, bắt đầu! Ráng chút
nữa, chút nữa thôi, em bé sắp ra rồi. …thôi chị nghỉ đi, dưỡng sức khi nào đau
thì lại dặn nhé! Đừng khóc, đừng lo lắng, đã thấy đầu của em bé rồi. Chị thở
đều nhé! Nào, bắt đầu nhé! Cố lên nào!...
Cứ thế, hơn 5 tiếng đứng chôn
chân ở đó. Mỗi lần sản phụ dặn là phân theo nước tiểu dồn xuống chân em. Kệ,
với em, đó không phải là vấn đề. Điều quan trọng là làm sao để được mẹ tròn con
vuông. Giữa rừng sâu heo hút cái hoang vu đang trùm phủ núi rừng, chỉ có tiếng
côn trùng, tiếng thở của sản phụ và tiếng của em như mật ngọt dỗ người đàn bà
đẻ lần thứ 2 mà vẫn khó.
Trong khi người nhà của sản phụ
đã rối lên lấy nhang đi thắp lên và khấn vái, cầu xin mẹ của sản phụ phù hộ để
đứa bé mau ra. Tôi đã không còn giữ được bình tĩnh. Tôi bước ra ngoài, nhìn vào
hư không và lâm râm cầu xin Phật bà phù hộ. Giờ đây thì tôi không cần góc máy
hay khung hình ra sao nữa, chỉ mong ngừơi đàn bà đó sinh được em bé ra suông
sẻ.
Gần như tất cả mọi người đều
bắt đầu mất bình tĩnh. Nhưng em thì không. Em vẫn thản nhiên đứng trước sản
phụ, vẫn theo dõi từng chuyển động của cơ bụng, của nét mặt và từng mạch đập
của bệnh nhân. Chẳng biết bằng cách nào nhưng khi tất cả chúng tôi đã bỏ hết ra
ngoài, mỗi ngừoi theo đuổi một ý nghĩ riêng, nhưng có lẽ lúc đó ai cũng chạm
đến một thế giới tâm linh với một mong muốn chung nhất. chẳng hiểu ông trời
thấu hiểu sự lo lắng của chúng tôi hay tại sự kiên trì và bình tĩnh giải quyết
sự cố của Chiêm mà đến 11h15 thì có tiếng khóc của trẻ thơ giữa rừng đêm lạnh
lẽo. Đứa bé bị nhau quấn cổ 3 vòng nên cứ trồi ra lại thụt vào không chịu rời
bụng mẹ.
Xong việc, em cắt rốn cho đứa
trẻ, thu dọn “chiến trường” lấy cháo cho sản phụ ăn, dặn dò ngừoi nhà…em làm
tất cả trình tự, khoa học…không một biểu hiện của sự mệt mỏi, không cáu bẳn.
Tôi đã không hiểu vì sao em dẻo dai đến vậy. nguyên mấy ngày trước em đã cùng
chúng tôi lên rừng lội suối để “đóng phim”, ngay ngày này em cũng đã miệt mài
từ 5 giờ sáng đến tận chiều. Hôm đó chúng tôi đóng máy sớm, định đặt một quán
bên đường nấu cho đoàn làm phim bữa cơm vì mấy ngày rồi toàn ăn linh tinh để
làm cho kịp tiến độ và chạy đua với thời tiết. 5 giờ chiều, sau khi đặt quán
nấu cơm, tôi tranh thủ xin chủ quán cho tắm nhờ. Làm phim ở rừng nên không có
khách sạn hay nhà nghỉ, chúng tôi ở nhờ trong trụ sở của xã, nhưng ở đó không
có chỗ tắm. Vừa trút bỏ bộ quần áo lấm lem đất đỏ ra và dội gáo nước lên đầu
thì tiếng em gọi í ới bên ngoài. Tôi thầm nhủ, Chiêm còn chưa về nữa sao? Bảo
Chiêm về tắm thay đồ rồi tối nay vào chơi với mọi người mà. Sao chưa về à?
- Chị
T ơi, sản phụ vỡ ối rồi. em chạy trước đây, bố em sẽ dẫn đường cho mọi ngừoi
vào nhé! Vào nhanh nhé chị!
Chẳng cho tôi nói câu nào Chiêm
mất hút sau tiếng dặn dò đó. Tôi vội vã gói bộ quần áo bẩn vào bịch rồi chạy ra
dặn chị chủ quán thôi khỏi nấu cơm, gôm cho tôi mấy gói mì rồi gọi cả đoàn chạy
theo Chiêm cho kịp. Tôi chưa bao giờ được chứng kiến bà đẻ nên không biết vỡ ối
là thế nào? Tôi chỉ sợ vào đến nơi ngưới đó đẻ xong rồi thì toi công. Thế nên
chúng tôi vội vã tháp tùng bố của Chiêm vào rừng. Chẳng thể đi xe, cả đoàn chân
thấp chân cao. Một anh cầm bó đuốc đi đầu soi đường còn chúng tôi lúp súp chạy
theo. Vào đến nơi đổ mì xì sụp húp. Chiêm vội vàng lo cho sản phụ
nên cũng chẳng ăn được miếng gì. Từ lúc mang găng vào Chiêm ở luôn đó, không
rời sản phụ một bước, vì thế cô ấy nhịn đói.
Có lẽ Chiêm rất đói và mệt nữa.
Vậy nên tôi đã rất khâm phục em khi tận mắt chứng kiến em đỡ đẻ cho người đàn
bà ấy.
Sau này, khi em ra tỉnh học
trung cấp nữ hộ sinh, tôi đón em đến ở với tôi. Có lần tôi hỏi về câu chuyện ấy
thì em nói tỉnh bơ : Người ta có đau thì người ta mới la chứ. Cấm người ta la
sao được hả chị? Chẳng có lý do gì để hộ sinh lại đi quát tháo sản phụ cả.
Minh Thùy