Header Ads

Header ADS

Những kiến thức cần thiết khi con trẻ bị bắt cóc

 Bắt cóc là một nỗi lo ngại rất lớn của quý phụ huynh có con nhỏ. Do đó, hiện nay nhiều bậc phụ huynh đã tìm những lớp tự vệ, lớp võ để trang bị cho con em mình. Thế nhưng liệu những phương thức tự vệ ấy có hiệu quả và đảm bảo được tính mạng cũng như sức khỏe của con em chúng ta khi chẳng may bị bắt cóc? Hiểu được những tâm tư đó, chúng tôi xin chia sẻ với quý vị những kiến thức cần thiết để trang bị cho con trẻ, tránh khỏi những nguy hiểm và tổn thương cho bản thân.

 Trao đổi với võ sư Lê Hoàng Mai, một người có nhiều năm kinh nghiệm và nổi tiếng trong lĩnh vực tự vệ về vấn đề này, thầy Lê Hoàng Mai cho biết đầu tiên chúng ta cần trang bị cho bé những kiến thức về phòng vệ, nhưng tuyệt đối tránh dùng vũ lực.
Đối tượng bắt cóc có thể chia ra làm 2 dạng, người lạ và người quen của trẻ. Đối với người quen thì thông thường trẻ sẽ không phát hiện, đến lúc nhớ cha, mẹ mới đòi và biết mình bị bắt cóc. Đối với kẻ bắt cóc là người lạ thì thông thường các bé sẽ khóc, la lối và quấy rất nhiều.


Thầy Mai cho biết, quý vị nên trang bị cho con em mình những kiến thức như sau:
Nếu bị người lạ dắt đi, hoặc phát hiện người quen nhưng dắt bé đi đến những nơi lạ, nếu  là nơi đông người bé nên khóc, la lớn và làm những cử chỉ để mọi người chú ý. Hãy dạy cho bé biết cách nhận dạng những người có thể cầu cứu như công an, bảo vệ, dân phòng sẽ mặc áo màu gì, đội nón gì vv… Khi bé làm những hành động kì quặc hoặc la lớn tiếng sẽ thu hút sự chú ý của mọi người và may mắn sẽ có người giải cứu bé.
Nếu chẳng may bé bị đưa đến những nơi vắng vẻ, xa lạ hoặc khóc mà không ai cứu, quý vị hãy dạy bé im lặng. Với tâm lí lo sợ, các bé sẽ khóc rất nhiều và điều đó cũng sẽ làm cho bọn bắt cóc lo sợ. Chúng sợ tiếng khóc của bé sẽ làm mọi người phát hiện nên có thể sẽ dùng các biện pháp bắt bé im như chụp thuốc mê, bóp miệng, nhét đồ vật vào miệng hoặc thậm chí là đánh đập, bắt bé im. Lúc này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thần kinh và cả tính mạng của trẻ.
Thay vào đó, quý vị hãy dạy trẻ nếu rơi vào trường hợp này, hãy giả vờ khờ khạo, xem bọn bắt cóc như người thân quen. Khi chúng thấy bé vô hại, sẽ không dùng những biện pháp gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Khi này, bé có thể tìm những cơ hội bọn chúng không để ý mà trốn thoát, hoặc chạy đến cầu cứu những người xung quanh. Khi có được lòng tin của những kẻ bắt cóc, bé có thể xin đi vệ sinh vv để tìm cơ hội thoát thân.


Là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, thầy Hoàng Mai cũng cho biết, nếu trong những trường hợp bắt có để làm con tin, đòi tiền chuộc hoặc làm khó cha mẹ thì kẻ xấu sẽ không làm tổn hại đến bé. Thế nên quý vị không nên dạy con dùng vũ lực, sức mạnh để đánh kẻ xấu.
Như đã nói, trẻ bị bắt cóc thường nằm trong khoảng từ 10 tuổi trở xuống, dù có học võ, các bé cũng không thể nào làm người lớn bị thương. Sức của các bé cũng không thể làm chống cự nếu bọn xấu có ý làm tổn thương. Do đó hành động dạy bé dùng vũ lực hoặc sức mạnh để đối khánh là một phương pháp sai lầm và phản khoa học. Thậm chí những hành động này có thể làm tổn thương và hại đến sức khỏe cũng như sự an toàn của bé!
Bên trên là những kinh nghiệm đã được võ sư Lê Hoàng Mai chia sẻ. Quý vị nên trau dồi những kinh nghiệm này cho con cái bạn, để đảm bảo sức khỏe và an toàn của bé. Và một điều nữa rất quan trọng được võ sư Lê Hoàng Mai chia sẻ: những kiến thức trên dù có thể giúp bé trong những trường hợp nguy hiểm, thế nhưng chúng ta không thể đoán trước được điều gì trong cuộc sống. Nên quan trọng nhất là quý vị nên dạy con mình phải cẩn thận với những người lạ mặt và đôi khi cũng phải cảnh giác với cả người quen. Quý vị cũng phải để mắt đến con mình, không nên chủ quan để có  nhửng chuyện đáng tiếc xảy ra.

Định Nguyên - Theo VOV FM89
Được tạo bởi Blogger.