Header Ads

Header ADS

Nấm mối và những điều diệu kỳ gắn liền với tuổi thơ tôi


Khi miền Nam xuất hiện những cơn mưa đầu tiên cũng là bắt đầu vào mùa nấm mối, một loại nấm chỉ mọc mỗi năm một lần và cao điểm vào ngày mùng 5/5 (hay còn gọi là Tết Đoan Ngọ).
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê Dầu Tiếng – Bình Dương với bạt ngàn rừng cao su và cũng chính là nơi nổi tiếng có nhiều nấm mối mọc dưới tán cao su mỗi độ mùa mưa về.
Thuở nhỏ, sau những cơn mưa đầu mùa vừa dứt thì lũ trẻ chúng tôi lại tỏa nhau ra các cánh rừng cao su để “truy lùng” nấm mối. Khi đi thì đứa nào cũng cầm theo một cái xô nhựa thiệt to hoặc nhiều bọc nilong để đựng vì rất nhiều nấm. Kinh nghiệm cho thấy, nên tìm ở những rừng cao su già có tán lá to um sùm và độ ẩm cao thì sẽ có nhiều nấm.
Nấm mối bắt đầu nhô lên sau cơn mưa. ( Ảnh : Lê Thạch)

Có nhiều gò đất hoặc bụi cây, bụi tre...gần nhà năm nào cũng có nấm mọc và chỉ mọc 1-2 lần trong một năm. Thông thường những nơi này cũng có độ ẩm rất cao và có mối ở. Để duy trì thì chủ nhà thường để nguyên hiện trạng và không bao giờ phá bỏ hoặc cho ai dẫm đạp lên để nấm mọc.
Sau cơn mưa, khi mặt đất mềm đi thì những búp nấm mối bắt đầu nhô lên mặt đất. Thời điểm này sẽ rất khó phát hiện vì nấm chưa có hương thơm ngào ngạt và có màu rất giống với đất, lá cây mụt nên phải tìm thật kỹ.
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là những đám lá cao su mụt nát sẽ nhô lên khỏi mặt đất và có vài con bọ gậy màu đen bay vòng vòng tức là nơi đó có nấm mối. Nếu như chỉ nhìn thấy một vài nấm thì đừng vội nhổ và bỏ đi mà hãy xới tung khu vực đó lên vì nấm vẫn còn ở dưới đất.
Nếu sau cơn mưa mà trời đã tối thì đừng nên ở nhà và bỏ cuộc mà hãy dùng một cây đèn pin đi tìm, quê tôi gọi là đi rọi nấm.
Nấm mối sẽ đội những chiếc lá mụt để vương lên khỏi mặt đất. ( Ảnh Lê Thạch)

Không hiểu vì lý do gì và ông bà chúng tôi cũng chưa lý giải được vì sao khi nấm mối vừa nhô lên khỏi mặt đất thì khi chiếu đèn vào nó sẽ phát ra một ánh sáng nhẹ, đôi khi có vài chấm màu như hào quang.
Tuổi thơ chúng tôi không bao giờ quên được khi lẽn bẽn sau lưng ba hay anh trai và xách theo cái bao để đi rọi nấm. Trong bóng bối mù mịt của cánh rừng cao su sau cơn mưa, tiếng ếch kêu cộng với những giọt mưa còn đọng lại trên lá nhĩu xuống ướt đầu và cặm cụi dùng mũi dao để nậy những cây nấm chưa kịp nhú lên thì còn gì thú vị bằng.
Nếu như đêm hôm đó không tìm được nấm thì tờ mờ sáng hôm sau hãy dậy thật sớm để truy theo mùi hương ngào ngạt của nấm mối thì bạn sẽ bội thu.
Phải dùng mũi dao xắn xuống đất để đào lên để lấy nguyên cây. ( Ảnh: Lê Thạch)

Nấm mối có một mùi hương rất đặc trưng và tỏa đi rất rộng, nếu đang chạy xe gần ổ nấm bạn cũng có thể nhận ra và điều đó chứng tỏ cây nấm đã nở. Khi phát hiện ra mùi nấm, hãy đứng yên một chỗ và xác định hướng nào mạnh nhất và đi theo mùi hương đó thì bạn sẽ nhìn thấy. Tuy nhiên, cần phải nhìn rõ dưới chân bước đi và dấu lá mụt vì nếu không bạn sẽ dẫm nát ổ nấm mà vẫn không tìm thấy.
Ở quê tôi, nhiều người vẫn dùng từ “sát nấm”, tức là có những người chỉ nghe được mùi hương mà không hề tìm thấy dù chỉ là một cây. Còn một vài người hay nói vui rằng “có mắt như mù” khi dẫm nát ổ nấm mối mà chẳng biết nó nằm ở đâu.
Dù là “sát nấm” hay “có mắt như mù” thì bản thân chúng tôi cũng tin rằng nấm mối có một điều kỳ diệu là không phải ai cũng thấy được mà phải có duyên và tôi tin vào điều đó.
Dù là nấm mối đã nở hay còn búp thì khi chế biến lên đều ngon cả. Với nấm búp, thân to thì có thể ướp muối ớt rồi quấn lá chuối nướng trên than hồng. Khi mở lớp lá chuối ra thì mùi hương của nấm hòa quyện vào vị cay của ớt xông thẳng vào mũi theo làn khói sẽ khiến phải ăn ngay.  Nấm mối búp khá dai kết hợp với vị mằn mặn, cay cay và chút xíu mùi khói rất giống với thịt gà mà tuổi thơ tôi không bao giờ quên được.
Một ổ nấm bội thu ( Ảnh: Lê Thạch)

Nếu là nấm đã nở thì có thể xào với lá ngót, với mướp hoặc mỗi mình nó để giữ nguyên hương vị. Một món nữa cũng không thể không nhắc đến là cháo nấm mối. Trong cái thời tiết se lạnh và những cơn mưa như trút nước của xứ miền Đông mà quây quần bên nồi cháo nấm nóng hổi rồi nhâm nhi ly rượu thì còn gì bằng.
Tuổi thơ của tôi là thế, là những buổi đi hái cùng lũ bạn hay đi rọi nấm mối cùng ba nhưng nay thì dường như đã không còn. Có nhiều lý do để quê tôi không còn nấm nhiều đến mức phải phơi khô để ăn dần như xưa. Nhiều người lớn tuổi cho biết có thể do bỏ quá nhiều diêm cho cây cao su nên mối không sống được và không có nấm. Cũng có nhiều người bảo do thời tiết nóng quá, không còn đủ độ ẩm như xưa nên nấm không mọc.
Dù là vì lý do gì đi nữa thì với tôi và bao nhiêu đứa bạn cùng trang lứa cũng có một thời tuổi thơ đẹp gắn liền với những cơn mưa của mùa nấm mối, ký ức ấy sẽ theo mãi trong tôi. Hơn thế, nấm mối vẫn mãi mãi là một điều kỳ bí và khó hiểu nhất trong cuộc đời tôi.
Lê Hoàng Ngọc Thạch gửi từ Dầu Tiếng.



Được tạo bởi Blogger.