Header Ads

Header ADS

BTV Minh Thùy (TVO): Truyền hình online là xu thế tất yếu

Trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, nhiều cơ quan báo chí đã phát triển mảng truyền hình online để phục vụ nhu cầu “xem + nghe” của công chúng ngay trên máy tính, điện thoại. Ở Việt Nam, báo Tuổi Trẻ là một trong những đơn vị tiên phong khi đã xây dựng và phát triển thành công Trang truyền hình báo Tuổi Trẻ, với những sản phẩm chất lượng, có bản sắc, hấp dẫn người xem… Trao đổi với báo NB&CL, BTV Minh Thùy của Trang truyền hình báo Tuổi Trẻ chia sẻ rằng, làm truyền hình online cực nhọc nhưng thú vị. Và cũng không dễ dàng gì để truyền hình online có thể cạnh tranh được với truyền hình truyền thống, với báo in, báo điện tử…
BTV Minh Thùy
Chào chị Minh Thùy! Khi về Trang truyền hình báo Tuổi Trẻ, chị đã có kinh nghiệp làm truyền hình hay báo viết chưa?
Tôi về phòng truyền hình báo Tuổi Trẻ sau khi nơi này có quyết định thành lập vào năm 2007. Trước đó, tôi đã có 10 năm làm việc ở Đài PTTH Bình Phước.
Vì sao chị lại rời bỏ nơi mình đã gắn bó tận 10 năm để về Trang truyền hình báo Tuổi Trẻ? Vì công việc hay vì “thương hiệu” Tuổi Trẻ?
Tôi yêu báo Tuổi Trẻ từ lâu rồi. Năm 2007, báo Tuổi Trẻ làm truyền hình chỉ là một cái ô nhỏ trên trang Tuổi Trẻ online. Phóng viên quay được gì thì đem về dựng rồi phát lên. Mọi thứ rất tự nhiên.
Khi đó, tôi đã nghĩ là trong tương lai, việc làm truyền hình trên mạng là tất yếu. Nên khi được Tuổi Trẻ mời, tôi quyết định bỏ mọi thứ đang có ở Bình Phước để về đây, muốn góp phần mình vào làm cho Trang truyền hình báo Tuổi Trẻ chuyên nghiệp hơn.
Và rồi dù đã có kinh nghiệm, nhưng làm truyền hình ở một tờ báo in cũng có khá nhiều điều “đặc biệt”.
Đặc biệt như thế nào, chị Minh Thùy?
Báo Tuổi Trẻ có một chủ trương rất hay là tác nghiệp “3 trong 1”. Nghĩa là một PV khi ra hiện trường thì làm cho cả 3 ấn phẩm là báo in Tuổi Trẻ, báo mạng (tuoitre.vn) và truyền hình online (tv.tuoitre.vn).
Như vậy là công việc của PV truyền hình online nhọc nhằn hơn báo viết rất nhiều?
Tôi nghĩ là rất vất vả, nhưng cũng đầy thú vị. Khi đi tác nghiệp, bạn phải vừa ghi chép, vừa quay phim. Nhưng ngày nay, chỉ cần cái điện thoại thông minh thôi, bạn đã có thể làm được cái tin truyền hình rồi. Nếu định dạng phim của bạn tốt, chuẩn thì tin đó còn có thể được phát trên VTV, HTV… Trong thực tế, đã có không ít tác phẩm của các bạn trẻ ở Trang truyền hình báo Tuổi Trẻ được các đài truyền hình mua lại và phát sóng.
Nhưng chắc không dễ dàng để “thuần thục” các kỹ năng đó và làm ra được một sản phẩm truyền hình chuẩn, tốt!?
Lúc mới tác nghiệp “3 trong 1” thì các bạn cũng rất hào hứng, nhưng chủ yếu là… nghĩ sao làm vậy. Người làm báo in có thói quen mô tả chi tiết, trong khi truyền hình thì chỉ cần một cú bấm máy khoảng 3 giây là đã cho thấy sắc thái thông tin rồi.
Cá nhân tôi học ĐH Sư phạm Kỹ thuật ra, nên đến với truyền hình, tôi cũng bỡ ngỡ như các bạn ở báo in, thậm chí còn không có cả kiến thức căn bản về làm báo giống họ. Tôi đã vượt qua được, nên hiểu và có cách để giúp các bạn ấy có thể làm tốt trong thời gian nhanh nhất.
Lúc đầu, tôi thường nhận được vài trăm chữ, thậm chí cả vài ngàn chữ cho một cái tin, nhưng chỉ có vài đoạn phim, có đoạn dài đến mấy chục phút nhưng chỉ một góc máy, một cỡ cảnh. Vậy là tôi phải ngồi “nhặt” thông tin ra, viết lại, phân cảnh kịch bản chi tiết (Quay bao nhiêu cảnh, mỗi cảnh bao nhiêu giây? Những cỡ cảnh nào?…) rồi gọi điện cho tác giả yêu cầu đi quay thêm.
Tôi còn soạn sẵn một email với những yêu cầu về phân cảnh, tít tựa, đường dẫn file… để khi có ai gửi tin về mà thiếu hình là tôi chỉ việc copy và gửi lại email đó cho họ. Thậm chí, tôi còn đăng trên blog cá nhân về kỹ thuật quay tin, câu hình ra sao để các bạn dễ hình dung hơn…
Như chị nói, các PV, CTV ở Trang truyền hình báo Tuổi Trẻ đã được đào tạo, rèn luyện một cách bài bản. Chị có nghĩ đây là môi trường tốt cho người yêu thích làm truyền hình, nhất là người trẻ phát huy khả năng, phát triển nghề nghiệp?


BTV Minh Thùy và đồng nghiệp tại Tuổi Trẻ

Trang truyền hình báo Tuổi Trẻ có không ít PV trẻ giỏi nghề. Và hiện cũng có khá nhiều PV giỏi ở các cơ quan báo chí khác mà “thủa ban đầu” của họ là ở Trang truyền hình báo Tuổi Trẻ. Các bạn đó đều nói với tôi rằng, những ngày đầu bỡ ngỡ ấy, họ đã được rèn nghề một cách bài bản để tự tin làm nghề. Như Đình Khánh ở Trang truyền hình báo Tuổi Trẻ, Trang Trần ở Đài Truyền hình Kiên Giang, Duy Tín ở Zing, Vùng Vịnh ở ANTV… và còn nhiều nữa.
Theo chị những tố chất, kỹ năng cần thiết để có thể trở thành một PV truyền hình online?
Tôi nghĩ tố chất quan trọng nhất của một người làm báo nói chung là phải đam mê nghề, biết dấn thân, không ngại khó.
Làm PV truyền hình online thì bạn cần thêm kỹ năng quay phim, chắc chắn rồi. Và bạn phải nhanh nhạy trước mọi sự kiện, vấn đề. Nhanh không chỉ trong tư duy xử lý đề tài mà còn nhanh cả trong tác nghiệp và kỹ năng làm chủ công nghệ. Nếu không hiểu và làm chủ công nghệ, có khi bạn còn chậm hơn khi bạn làm theo kiểu truyền thống, thủ công.
Chị đánh giá như thế nào về xu thế ngày càng nhiều cơ quan báo chí thành lập và đầu tư vào mảng truyền hình online hiện nay?
Năm 2007, khi còn ở Bình Phước, được theo dõi mọi thông tin trên thế giới qua internet, tôi đã nghĩ nhu cầu được xem truyền hình trên mạng là điều tất yếu.
Bạn không phải chạy về nhà, hay chạy vào một quán ăn hay quán cà phê nào đó chờ đến giờ để xem chương trình mình thích nữa, mà chỉ cần mở máy tính, điện thoại kết nối intenet lên là xong. Thêm nữa, ở truyền hình truyền thống, nếu muốn xem lại, bạn phải phụ thuộc vào việc đài có phát lại hay không. Với truyền hình online, bạn chỉ cần một cú click chuột. Đó có lẽ là lý do mà nhiều cơ quan báo chí đầu tư vào mảng truyền hình online.
Với sự hỗ trợ cực tốt của công nghệ, ít tốn kém nhưng lại đem đến cho người xem nhiều thông tin đa dạng, phong phú hơn, nên việc các báo đầu tư cho truyền hình online là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển chung và xu thế thời đại.
Số lượng ngày càng nhiều như vậy, theo chị, làm sao để một kênh truyền hình online có thể cạnh tranh và phát triển được?
Tôi thấy vẫn còn không ít tờ báo mới chỉ dừng ở mức gắn những đoạn phim quay thô ở hiện trường vào bài để minh họa cho bài là chính, chứ chưa hẳn là truyền hình.
Để cạnh tranh và phát triển, tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm, độ tin cậy. Dù bạn một mình một sân, nhưng cách làm của bạn không hấp dẫn, thì người xem cũng chẳng ngó ngàng. Ngược lại, khi có nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng bạn luôn có cái mới, cái đặc biệt thì sự phát triển sẽ trong tầm tay. Đó chính là “kinh nghiệm trận mạc” tôi rút ra được khi làm ở truyền hình báo Tuổi Trẻ.
Truyền hình báo Tuổi Trẻ không có đầy đủ trang thiết bị chuyên nghiệp như các đài, PV không chuyên làm truyền hình, nhưng chúng tôi vẫn có những sản phẩm mà không nơi nào có được. Dù chất lượng hình ảnh có kém một chút, nhưng rất nhiều Đài truyền hình xuất tiền ra mua sản phẩm của truyền hình báo Tuổi Trẻ về phát.
Đó có phải là nhờ những cái mới, cái khác biệt của truyền hình báo Tuổi Trẻ không, thưa chị?

Chúng tôi luôn nỗ lực làm truyền hình một cách bài bản, chính thống. Và truyền hình báo Tuổi Trẻ luôn giữ bản sắc của Tuổi Trẻ nữa.
Xin cảm ơn chị!
Kiên Giang (ghi)/NBCL

Được tạo bởi Blogger.