Header Ads

Header ADS

Tôi đã trở thành phóng viên như thế nào?

Tại Nhà giàn DK1, cụm Ba Kè, tháng 8 năm 2009.

Tôi tham gia viết báo từ khi còn là sinh viên. Tôi không học báo chí, nhưng ngay từ bài báo đầu tiên tôi đã cố gắng viết tốt nhất có thể. Cách hành văn có thể chưa hay, bố cục chưa chặt chẽ, câu cú chưa gọn gàng…là những cái mà sinh viên kỹ thuật như tôi chưa kiểm soát được. 
Nhưng, bất cứ cái gì có thể tôi đều kỹ. Tôi chừa lề thẳng, đầu câu, tên người, tên địa danh… viết hoa, xuống dòng thụt vào một ô, đoạn nào trích dẫn phỏng vấn đều bỏ trong ngoặc kép “…”, dùng từ địa phương đều mở ngoặc (…) giải thích, giải thích nghĩa, giải thích cách đọc…khi ký tên, nếu ký bút danh thì sẽ có một góc nhỏ bên dưới ghi địa chỉ liên hệ bằng tên thật, địa chỉ KTX, địa chỉ trường, số điện thoại…thậm chí tên của người có thể gặp tôi dễ nhất nếu không tìm thấy tôi. Ở đó, tôi ghi chú cẩn thật rằng “Kính nhờ anh chị biên tập xem giúp, nếu có gì cần liên hệ vui lòng liên lạc…em trân trọng cảm ơn!”.


Chẳng biết có phải vì thấy tôi kỹ thế không mà hầu như tin bài nào tôi gửi đi đều được đăng mặc dù chữ của tôi rất xấu, chỉ được cái rõ ràng. Có những tin bài không sửa gì, thậm chí bài đầu tiên tôi gửi cho Báo SGGP đăng còn không sửa một dấu chấm, dấu phẩy.
Khi tôi về Đài BPTV, chúng tôi viết bản thảo trên giấy khổ to và mỏng như giấy…mấy chú mấy bác miền Nam dùng để …cuốn thuốc rê hút. Việt đầu tiên khi đặt bút viết tin là …gấp lề giấy để chữ không bị xê dịch. Giấy đó không có dòng kẻ nên lúc nào trong cặp của tôi cũng có một …tờ giấy kẻ ngang đã được đồ mực cho đậm lên để mỗi khi viết tin, bài thì lót bên dưới cho dòng ngay thẳng.

Khi công việc chuyên môn tạm khép lại thì ra sông Măng (con sông là ranh giới giữa Việt Nam và Capuchia) bắt chem chép cùng bộ đội biên phòng. 

Mỗi khi đi quay tin bài, dù có phóng viên quay phim nhưng cuốn sổ của tôi lúc nào cũng được “qui hoạch” 2 phần rõ ràng, phần đầu ghi tới là nội dung thông tin khai thác, phần phía sau cuốn sổ ghi lại là …nhật ký ghi hình của băng. Mỗi cuốn băng tôi đều đánh số thứ tự, và ghi thời lượng thu hình để theo dõi. Vì thế, mà dù cho đến …8 năm sau, nếu ai có cần tư liệu gì mà tôi có làm là chỉ 30 giây tôi đã biết hình ảnh đó nằm ở đâu, và tìm dễ dàng. Sau này không còn đi nữa tôi đã “chuyển giao” kinh nghiệm đó lại cho đồng nghiệp.

Suối hồng, Bình Thuận

Dù đi chung với quay phim tôi có ghi chú những điểm cần lưu ý và khi phỏng vấn tôi có ghi chú lại tên nhân vật, chú ý đoạn phỏng vấn nào cần lấy, đoạn nào làm tư liệu nhưng khi về nhà, khi bắt tay vào viết kịch bản thì tôi vẫn coi lại phim, ghi lại những đoạn cần lấy.

Tháng 5 năm 2012

Dù có phân cảnh kịch bản nhưng lần nào dựng tin bài của tôi làm, thậm chí dựng phát thanh tôi cũng sắp xếp ngồi cùng kỹ thuật làm cho hoàn chỉnh chương trình tôi mới về.
Hồi đó, Bộ phận phát thanh của Đài BPTV phải ở nhờ trong Đài truyền thanh của huyện Đồng Phú. Con đường lên đó có một đoạn tối om, tôi là đứa trên đời trời đất không sợ gì nhưng chỉ sợ mỗi …ma. Có những hôm đi dựng chương trình trời mưa tầm tã, tối thui như mực nhưng tôi vẫn đội áo mưa lên đài để ngồi dựng bản phát thanh cho kịp phát sáng sớm hôm sau. Công việc đó bạn có thể giao kịch bản cho kỹ thuật phát thanh làm là xong nhưng tôi không muốn thế, tôi muốn được làm chỉnh chu từ đầu đến cuối, tôi muốn mình là thính giả đầu tiên của chương trình mình làm.

Trảng cỏ ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước

Sau này, khi lên làm quản lý rồi thì những chương trình do tôi trực tiếp làm tôi vẫn đi từ khâu đầu đến khâu cuối, vẫn ngồi với anh em phòng sản xuất chương trình hay kỹ thuật phát thanh. Thỉnh thoảng “vuốt ve” họ bằng một ít trái cây hay rau câu tự tôi làm để họ chăm sóc chương trình của mình được chỉnh chu theo í mình.

Ra quân mò chem chép

Tỉnh tôi nghèo lắm, người Bình Dương và Bình Phước hồi đó vẫn nói đùa rằng dù là anh em song sinh (từ tỉnh Sông Bé tách ra) nhưng Bình Dương cắt được “khúc ruột thừa” Bình Phước lên phát triển vượt bậc, còn Bình Phước thì èo uột, lay lắt. Thế nhưng dẫu nghèo, dẫu thiếu thốn về trang thiết bị chuyên môn nhưng chúng tôi được rèn nghề rất kỹ bởi một Sư phụ trưởng thành cũng chính từ phóng viên quay phim. Mỗi năm, có một đợt liên hoan truyền hình là cơ quan lại mời đạo diễn giỏi ở TPHCM hoặc Trung ương về giúp chúng tôi làm phim dự thi. Đây là “cơ hội vàng” để chúng tôi “học lỏm” những ngón nghề của các bậc đàn anh, đàn chị, các bậc chú, bác đi trước có tên tuổi.

Dự liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2007
Chị là người đã "vô tình" dạy cho mình rất nhiều ngón nghề chuyên môn.

Anh em chúng tôi ngày ấy hầu như ai cũng vững về kỹ thuật truyền hình, đơn giản bởi nếu có chỉ vài giây sai chính tả về hình là sẽ bị Sư phụ điểm chỉ ngay.
Hồi đó, đài Bình Phước phải đặt nhờ cơ quan đầu não (Ban biên tập và bộ phận hành chánh) ở trong Đài Bình Dương. Tôi không những không được học một chữ nào chính qui báo chí mà còn chẳng biết gì về truyền hình hết. Viết báo in thì viết theo cảm xúc, viết theo những gì mình mắt thấy tai nghe. Nhưng làm truyền hình thì đâu thể thế được. Nhưng làm thế nào để phân biệt 2 thể loại này thì tôi chịu. Vậy nên, dù nằm trong nhóm đi biệt phái ở Đồng Xoài (cách BBT khoảng 100km) thì cuối tuần nào tôi cũng đón xe đò về Cơ quan …nghe chửi. Ngày ấy, Ban thời sự của đài Bình Phước có một anh rất dữ. Anh ấy luôn mắng tôi là viết tin truyền hình mà như …viết báo in. Vậy nên tôi phải tìm đến ảnh để ảnh chỉ cho cách phân biệt và cách viết. Dù tôi có là con gái, vừa ra trường, nhỏ xíu con…thì ảnh cũng không hề chiếu cố…còn tôi thì có khi còn chưa nghe ảnh phân tích xong một bản tin nước mắt đã nghẹn lên tập cổ. Tôi cắn môi ngồi cho ảnh nói xong, đi hút thuốc là tôi …phi ra vườn cây trước đài chui và một cây um tùm nhất khóc cho đã …xong thì lau nước mắt, lau mặt sạch sẽ vào …ngồi khoanh tay trước bàn ảnh nghe …chửi tiếp. Bị chửi, bị mắng không hề kiêng nể nhưng cuối tuần nào tôi cũng đón xe xuống đài. Bởi tôi biết, nếu tôi không đối diện với thực tế thì tôi không thể nào bước tiếp với cái nghề này.


Cũng có lúc tôi được làm “phóng viên chiến trường”. Tình huống dầu sôi lửa bỏng, sự kiện đang diễn ra đã phải tường thuật về ngay. Để làm được điều ấy, trước đó tôi đã chuẩn bị rất kỹ nội dung cần làm, để khi diễn ra sự kiện là tôi chỉ có ráp vô, rồi đọc qua điện thoại hoặc bộ đàm là sản phẩm đã về đến nhà, chỉnh chu.

Quảng Trị sau cơn bão số 05 - năm 1999.

Ở Bình Phước thỉnh thoảng cũng có những sự kiện có thể phát được ở Đài Trung ương và báo chí trong nước quan tâm. Tôi may mắn hay được tham gia những sự kiện như vậy. Mỗi khi như thế mà VTV không có người về là tôi lại …chuẩn bị 2 cuốn băng, thêm cái máy ảnh để chụp hình gửi tin cho báo Tuổi Trẻ nữa. Máy quay phim vào băng nghĩa là cùng một lúc phải quay 2 cuốn băng, 01 cho Đài nhà 01 cho VTV. Vậy nên phải biết tính toán hình ảnh để đảm bảo hình ảnh cho cả hai mà đoạn phim không bị hở xung giữa chừng.


 Tức là, bỏ cuốn băng này vào quay bối cảnh này xong rút ra đưa cuốn khác vào phải lấy lại đầu băng là điểm cuối của hình ảnh vừa quay. Nếu cho băng vào mà bấm máy ngay thì thế nào khi phát cũng bị muỗi giữa 2 đoạn phim. Lúc đó kỹ thuật họ không biết họ tưởng hết phim thì coi như tin bị thiếu hình.
Và tôi đã làm như thế không chỉ cùng một lượt cho Đài nhà, VTV mà còn làm tin cho Tuổi Trẻ nữa. Góc khai thác của TT thì mọi người biết rồi đấy, nó không có như tin thông tấn để bảo là dễ làm, phải tìm góc riêng, hình chụp cũng phải có “câu chuyện’.
Và tôi đã làm như thế không chỉ một lần.


Nói dông dài như vậy không phải để khoe mà để chia sẻ rằng, tôi, một đứa con gái ốm yếu 35kg, lùn, không nhan sắc hoàn toàn có thể làm được nhiều việc khiến những người sử dụng sản phẩm của mình yên tâm.
Vậy nên, tôi không hiểu vì sao có rất nhiều bạn làm báo rất dễ dàng. Nhiều bạn “quăng” cho tôi một cái tin hay cái bài mà không thèm ghi tựa, câu cú lộn tùng phèo, có câu chứa …hơn 200 từ, có câu đọc hoài…không thấy chủ ngữ đâu, có câu không biết vị ngữ ở chỗ nào, có câu …không biết là cái gì? Đó là chưa kể đến lỗi chính tả. Lỗi từ do đặc điểm địa phương vùng miền thì có thể chia sẻ được, nhưng nhiều từ sai do ẩu thì thật khó mà không bực. Có những tin bài đọc xong …không biết tác giả là ai? Liên lạc thế nào để hỏi thông tin? Gửi mail ngược lại thì không thấy trả lời? Với truyền hình, việc trích dẫn phỏng vấn là phải ghi tên nhân vật, địa chỉ nơi họ ở hoặc chức danh, cấp bậc đơn vị công tác…Thế nhưng, thậm chí có những bản thảo còn không biết là ai luôn. Khi liên lạc với tác giả yêu cầu bổ xung thì tác giả bổ xung được mỗi…người đầu tiên ở bối cảnh đầu, còn những đọan sau thì “vũ như cẫn”…yêu cầu bổ xung đến lần thứ ba, vậy là phải xử 3 lần chỉ 1 sản phẩm. Xử xong, đưa sản phẩm đi đọc thì tác giả chạy vào bảo…cho em gửi lại bản thảo. Hỏi sửa gì nữa? dạ em viết lại một đọan …thiệt là cắn lưỡi luôn.
Lại có bài thông tin địa giới hành chính tới…cấp ấp. Chấm hết. Khi yêu cầu bổ xung thì bổ xung được một chỗ, những chỗ khác lại không có gì để liên kết rằng họ đang chính là của nhau. Đau lòng thiệt chớ! Lại có khi, phản ánh toàn bộ câu chuyện của xã A, phỏng vấn chính quyền địa phương xã …B! Hỏi lại thì bảo xã B cũng bị tình trạng như xã A nhưng trong nội dung thì không có gì thể hiện điều đó. Vâng, có những lúc tôi không biết nói gì luôn. Hết sức nghẹn ngào!
Nhà có gạo ăn, nhởn nha, may vá, dọn dẹp lại cũng được, nhưng khi phải đi gieo từng hạt thóc…thì thử hỏi phải có cảm xúc gì với những biểu hiện như vậy cho hạnh phúc cả nhà đây? Tôi muốn khóc lắm mà chỉ được ứa nước mắt thôi.
Không phải tôi sợ khó khăn, không phải tôi ngại làm mà tôi không muốn những người bạn của tôi xây dựng thương hiệu bản thân là những hình ảnh xấu xí. Tôi không muốn thấy các bạn vẽ lên cuộc đời mình một hình hài cẩu thả, một tên tuổi không được xã hội lưu tâm.

Hãy đừng coi truyền hình chỉ là một mản đất thâm canh thêm! Nếu không yêu thì đừng nói lời cay đắng!
Được tạo bởi Blogger.