Header Ads

Header ADS

Trách nhiệm của báo chí trong thời “tin vịt” lên ngôi


Ảnh : Internet

VietnamPlus

Khi báo điện tử VietnamPlus đăng tải các bài viết đầu tiên về vấn đề tin tức giả mạo vào giữa tháng 4/2016, không nhiều độc giả cũng như những người trong giới báo chí quan tâm đến vấn đề này. Hơn nửa năm sau, nó trở thành một vấn nạn toàn cầu.

Đặc biệt, những tranh cãi xung quanh kết quả của cuộc bầu cử Mỹ hồi đầu tháng 11/2016 cũng như việc truyền thông nước này đăng tải thông tin trước và sau cuộc bầu cử làm dấy lên vấn đề ngày càng trở nên nhức nhối: đó là tin giả cũng như vai trò của các nhà xuất bản tin tức và các nền tảng trong cuộc chiến chống lại những thông tin sai lệch trên Internet.

Một nghiên cứu đăng tải trên BuzzFeed gần đây cho thấy những câu chuyện bịa đặt, hay còn gọi là “tin vịt,” về cuộc bầu cử ở Mỹ khi lan truyền thì thu hút sự tương tác trên Facebook nhiều hơn cả tin bài của các cơ quan báo chí tiếng tăm.

Theo một bài viết trên BBC, nhiều trang tin giả mọc lên trong chiến dịch bầu cử Mỹ vừa qua có nguồn gốc từ một thành phố nhỏ của Macedonia. Tại đó, các thiếu niên bung ra các câu chuyện giật gân để có tiền nhờ quảng cáo. Giống như hàng trăm người khác, cậu sinh viên 19 tuổi có tên giả là Goran bắt đầu đăng các chuyện giật gân, thường sao chép từ các trang web cánh hữu Mỹ, kể từ mùa hè năm ngoái.

Sau khi cắt và dán nhiều bài, cậu ta tổng hợp thành tin mới, trả tiền cho Facebook để chia sẻ với độc giả Mỹ khát tin về ông Donald Trump. Khi những người Mỹ bấm vào bài báo, hoặc thích, chia sẻ, cậu ta có tiền nhờ quảng cáo trên trang. Goran nói cậu chỉ mới làm được một tháng mà đã kiếm tới 1.800 euro. Cậu bảo các bạn mình còn kiếm mấy ngàn euro một ngày.

Tin giả trở thành vấn nạn toàn cầu

Đương nhiên, tin tức giả không chỉ xuất hiện trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nó đã xuất hiện từ lâu và ở khắp nơi trên thế giới. Nó cứ âm thầm đi vào cuộc sống của mỗi người dùng Internet nhưng chưa bị đánh động mà thôi.

Ví dụ rõ ràng nhẩt về tin giả ở Đức xảy ra hồi đầu năm, theo đó một bé gái gốc Nga 13 tuổi tên là Lisa F, bị những người tỵ nạn từ Trung Đông cưỡng hiếp tập thể ở Berlin. Cảnh sát đã nhanh chóng chỉ ra rằng đây là tin giả, nhưng trước đó nhiều báo của Đức và Nga đã đăng lại tin này, nó được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, hàng trăm người xuống đường phản đối với sự hậu thuẫn của các nhóm cực hữu và chống Hồi giáo. Vụ này thậm chí suýt gây nên sự cố ngoại giao giữa Berlin và Moskva.

Tại Brazil, theo một báo cáo hồi tháng 4/2016, trong khi quá trình luận tội mà tổng thống Dilma Rousseff cùng những người ủng hộ bà gọi là một cuộc đảo chính có động cơ chính trị trở nên nóng hơn, trong số 5 tin được chia sẻ nhiều nhất trên Facebook thì có đến 3 tin vịt. Một hoang tin được trang Pensa Brasil chia sẻ nói rằng cảnh sát liên bang muốn biết lý do tại sao bà Rousseff trao 9 tỷ USD cho công ty thịt khổng lồ Friboi, và nó có đến 90.000 lượt share.

BuzzFeed Brasil vừa có bài hồi đầu tháng 12 về tình trạng tin vịt liên quan bê bối Petrobras, được gọi là Chiến dịch Car Wash – yếu tố then chốt dẫn đến việc luận tội tổng thống Rousseff – được đăng tải nhiểu hơn cả tin chính thống. Trong năm nay, 10 tin vịt được đọc nhiều nhất về vụ Car Wash được chia sẻ tới 3,9 triệu lần, trong khi 10 tin “đàng hoàng” chỉ nhận được 2,7 triệu lần.

Khoảng 2.000 người dân Brazil tập trung hôm 20/11 tại Sao Paulo để phản đối tham nhũng và ủng hộ chiến dịch "Car Wash". Ảnh: FOX NEWS LATINO

Mới đây, một phóng viên Hồi giáo ở Myanmar trở thành nạn nhân của một chiến dịch do những kẻ kích động thù hận tôn giáo thực hiện. Một nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đăng ảnh anh này bên cạnh ảnh của một du kích Hồi giáo vô danh người Rohingya rồi tuyên bố anh có can dự vào các vụ tấn công biên phòng, đồng thời kêu gọi bắt giữ ngay lập tức. Rất may chưa có chuyện gì xảy ra và status này sau đó đã bị gỡ xuống nhưng đã có hơn 3000 người chia sẻ.

Người Myanmar nói rằng thời xưa, họ ra quán trà để biết thông tin. Bây giờ họ lên Facebook. Nhưng trên newsfeed của người dùng lại đầy tin vịt.

Newsfeed của người dùng Facebook Việt Nam cũng chẳng ít tin vịt hơn. Đã phải có những lời kêu gọi “chia sẻ có ý thức” bởi rất nhiều người dùng – kể cả những người có học vấn cao – vội vàng chia sẻ những nội dung từ những nguồn không đáng tin cậy. Nó có thể là một nội dung vô thưởng vô phạt, cho đến thông tin về một bà lang chữa khỏi bệnh nan y, hay hoang tin về việc một nghệ sỹ nổi tiếng tử vong, thậm chí cả những câu chuyện bịa đặt nhằm vào chính quyền.

Ngày 31/10/2016, Công an tỉnh Bến Tre và Sở Thông tin truyền thông Bến Tre đã làm việc với Nguyễn Chí Khương, sinh năm 1993, là người đã quay và đăng tải lên Facebook 3 ngày trước đó đoạn phim một đoàn hơn 50 xe công vụ ở Bến Tre với phần đề dẫn bịa đặt sai sự thật là “Bà Nguyễn Thị Kim Ngân về thăm quê hương Bến Tre.” Sau đó đoạn phim này được nhiều người chia sẻ và bình luận xuyên tạc.

Làm việc với cơ quan chức năng, cậu trai trẻ này đã thừa nhận việc mình dùng điện thoại di động quay rồi đăng tải đoạn phim đoàn xe đang chạy lên mạng xã hội nhằm câu like chứ không có mục đích khác. Sau khi biết được việc làm của mình là vi phạm pháp luật, cậu ta đã gỡ bỏ đoạn phim trên khỏi Facebook cá nhân và đăng tải nội dung xin lỗi.

Ngày 7/12, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng đối với ông Nguyễn Liên (ở thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô) vì đăng tải nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm cá nhân. 20 ngày trước đó, ông này đăng tấm ảnh chụp cảnh một người đàn ông đang ôm ấp một người phụ nữ kèm theo lời bình luận: “Người ta gọi đây là những tên dâm quan, đây là hình ảnh một trong 21 cô giáo được chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh và Phòng giáo dục thị xã điều đi tiếp khách là quan chức Hà Tĩnh....” Chỉ trong vòng ít giờ, thông tin này đã thu hút nhiều lượt chia sẻ, hàng ngàn lượt bình luận mắng chửi thậm tệ. Tuy nhiên, thực tế đây là tấm hình chụp hai người Trung Quốc.

Trong một diễn biến mới nhất, truyền thông thế giới đã thực sự dậy sóng trước thông tin kênh truyền hình nổi tiếng CNN đã vô tình phát sóng 30 phút phim khiêu dâm hạng nặng ở khu vực Boston, Mỹ vào ngày 24/11 vừa qua. Theo trang The Verge, sự hỗn loạn thông tin bắt đầu khi tờ The Independent đăng một bài về dòng tweet của một người xem truyền hình, và bài viết sau đó đã được Drudge Report chia sẻ trên Twitter. Sau đó, câu chuyện đã nhanh chóng lan ra.

Mashable, New York Post, Daily Mail, Esquire và Variety đều đã đăng bài về việc này, và gần như toàn bộ các bài viết đều chỉ dựa trên 1-2 dòng tweet của @solikearose - tài khoản Twitter kèm theo một bức ảnh chụp màn hình TV kênh CNN đang phát sóng phim khiêu dâm thay vì chương trình Parts Unknown của Anthony Bourdain. Hơn nữa, phần lớn các bài đăng gốc đều không bao gồm các tuyên bố chính thức từ CNN hay RCN, công ty truyền hình cáp được cho là đã phát sóng đoạn phim khiêu dâm nói trên.

Tin tức giả mạo không chỉ là những tác phẩm kém chất lượng, tính nghiêm trọng nằm ở chỗ nó truyền bá những thông tin sai lệch mà độc giả thường chỉ xem xét ở bề nổi. Câu hỏi về việc phải làm gì với tin tức giả và thông tin sai lệch đang khiến nhiều cơ quan báo chí trên thế giới phải đau đầu.

Ảnh: Internet

Tin tức giả thu hút rất nhiều sự chú ý

Các trang tin tức giả và các tài khoản mạng xã hội khiến việc phân biệt thật giả trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi rất nhiều trang tin tức giả có giao diện rất giống những trang tin điện tử truyền thống.

Alastair Reid, thư ký tòa soạn của First Draft News chia sẻ với Diễn đàn Biên tập viên Thế giới (GEN) rằng các câu chuyện tin tức giả mạo có thể có tầm ảnh hưởng rất lớn, bởi nhiều người đang cập nhật tin tức từ các mạng xã hội. Nếu tin tức giả hiện trên dòng thời gian bên cạnh một bản tin từ trang Washington Post chẳng hạn, mọi người có thể sẽ không nhận ra sự khác biệt.

Craig Silverman, biên tập viên của BuzzFeed Canada, đã phân tích 2 nghiên cứu về vấn đề này với kết luận là mất tới hơn 12 giờ, một tin tức giả mới được vạch trần trên mạng.

Năm 2015, Silverman đã đăng một bài viết cho Trung tâm Báo chí Điện tử Tow Center có tên “Những lời dối trá trắng trợn và nội dung có sức lây lan: Cách các trang tin lan truyền (và vạch trần) những lời đồn trên mạng, những khẳng định chưa được kiểm chứng, và thông tin sai lệch.”

Trong bài viết này, Silverman đã chỉ ra 10 bản tin vạch mặt tin tức giả về một nghệ sĩ ở Anh năm 2014. Tổng cộng số lượt chia sẻ 10 bản tin vạch trần này đạt 60.953 lượt, nhưng riêng tin giả đã có tới 60.402 lượt chia sẻ.

“Những tin tức giả ngày càng mang tính dễ lan truyền hơn, và vì thế có thể có sức ảnh hưởng lớn”.

Silverman trích dẫn một ví dụ khác từ năm 2014, khi trang Huzlers.com đăng một câu chuyện giả mạo khẳng định Trái Đất sẽ chìm trong bóng tối trong 6 ngày liên tiếp. Bản tin giả này đã thu hút tới hơn 840.000 lượt chia sẻ và tương tác trên mạng xã hội, trong khi số lượt chia sẻ từ 7 bản tin vạch trần cộng lại chỉ đạt khoảng 127.000 lượt trên cùng mạng xã hội.

“Những tin tức giả ngày càng mang tính dễ lan truyền hơn, và vì thế có thể có sức ảnh hưởng lớn,” Silverman viết.

Đầu tháng 9/2016, một câu chuyện tin tức giả về một vườn thú ở Trung Quốc đặt tên cho một chú khỉ đột là “Harambe McHarambeface” theo một cuộc bình chọn đã thu hút một lượng độc giả lớn. Mặc dù câu chuyện đã gây ồn ào trên mạng xã hội, nhưng thực tế không có cuộc bình chọn nào, cũng chẳng có chú khỉ đột nào được đặt tên như vậy.

BuzzFeed và Huffington Post của Anh đã vạch trần những câu chuyện tin tức giả mạo bằng cách chỉ ra rằng The Leader Boston, trang tin đã đăng bản tin này không phải là một nguồn đáng tin cậy. The Leader Boston không có tài khoản mạng xã hội, và các trang đích của nó cũng chỉ toàn báo lỗi.

BuzzFeed cũng cho biết dòng khẩu hiệu của trang web này khoe khoang rằng sẽ “Mang lại những tin tức hay nhất của Boston từ năm 1932,” trong khi tên miền lại mới chỉ được đăng ký chưa đầy một tuần trước.

Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn vì ngày càng nhiều người cho rằng những tin tức giả mạo đó là chính xác. Theo một khảo sát mới nhất do Ipsos Public Affairs thực hiện, có đến 75% người Mỹ trưởng thành nhìn thấy những tiêu đề tin vịt đó và tin là thật. Đặc biệt, những người càng coi Facebook là nguồn tin chủ yếu thì càng dễ bị mắc lừa. Tại Việt Nam, điều này cũng không phải hiếm hoi. Không ít người, kể cả các nhà báo có thâm niên, chia sẻ các đường link không rõ nguồn gốc, thậm chí với quan điểm “chia sẻ trước, xem sau.”

Cơ quan báo chí lớn cũng mắc lừa các trang tin tức giả mạo

Việc các hãng tin lớn mắc bẫy tin tức giả vẫn thường xuyên xảy ra. Hồi đầu năm ngoái, mục chính trị của Bloomberg đã có một bài viết dựa trên tin giả về việc bà Nancy Reagan ủng hộ Hillary Clinton làm tổng thống.

Năm 2013, tờ Washington Post cũng bị Daily Current, trang tin giả nổi tiếng lừa với tin Sarah Palin đã đầu quân cho Al-Jazeera. Cùng năm này, tin thất thiệt về việc cây bút Paul Krugman của New York Times bị phá sản cũng xuất hiện trên trang Boston.com.
Thông cáo báo chí giả, “người anh em” của tin tức giả cũng khiến tờ Los Angeles Times một phen lao đao khi đưa tin rằng Liên hợp Quốc đang chuẩn bị hợp pháp hóa cần sa, hay nghệ sỹ bí ẩn Banksy đã bị bắt...

Một bài viết gần đây đã tổng kết những vụ tồi tệ nhất về việc báo chí chính thống bị lừa hoặc tệ hại hơn là cố tình đăng tin giả. Chẳng hạn chuyện Newsweek đăng một bài viết nói rằng các nhân viên thẩm vấn phạm nhân tại nhà tù ở Vịnh Guantanamo có hành động báng bổ kinh Koran; chương trình 60 Minutes của kênh truyền hình CBS phát sóng một bộ phim tài liệu nói về 6 tài liệu hiếm phê bình thời gian phục vụ của Tổng thống Mỹ George W. Bush trong lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ; Rolling Stone đăng một tin tấn công tình dục xảy ra trong khuôn viên trường đại học Virginia, dù chuyện này không có thực, v,v…

Tiền đề của những tin tức giả thường là những vấn đề nóng thu hút sự chú ý

Vậy tại sao các trang tin tức giả lại có thể lừa các nhà báo? Nhiều trang tin giả có những cái tên nghe rất kêu và đáng tin - National Report (Tin tức quốc gia), World News Daily Report (Báo cáo Tin tức Thế giới Hàng ngày), hay Empire News (Đế chế Tin tức).

Những trang tin giả khác lại nhái lại tên và logo của các hãng tin thật sự, như abcnews.com.co. Một số trang lại pha trộn cả tin thật và tin giả để lừa gạt. Chuyện này cũng xảy ra tại Việt Nam khi nhiều trang tin xuất hiện với cái tên na ná như tên của các tờ báo nổi tiếng.

Đa phần các tin tức giả đều dẫn nhiều nguồn, từ những cái tên người phát ngôn không có thật đến tên những tổ chức có thật để tỏ ra đáng tin hơn. Tiền đề của những tin tức giả cũng thường là những vấn đề nóng thu hút sự chú ý.

Một lý do nữa cho sự nhẹ dạ cả tin của các nhà báo là áp lực tin bài. Business Insider mới đây đã trở thành ví dụ rõ ràng nhất.

Trang CNN Money đã đăng tải một bài viết rằng ban phụ trách Business Insider yêu cầu các cây bút phải viết được 5 tin mỗi ngày. Số lượng tin bài đã quan trọng hơn chất lượng bài viết. Nhiều người còn phải thu hút tới 1 triệu lượt lượt truy cập mỗi tháng.

Shane Ferro, cựu nhân viên của Business Insider đã xác thực những khẳng định này, và nói rằng cô luôn phải đối mặt với những “buổi họp căng thẳng” khi không đạt được các mục tiêu nêu trên.

“Theo một cách nào đó, Business Insider là phiên bản cực đoan của những gì mà các hãng tin bây giờ kỳ vọng ở nhà báo: những bài viết thu hút nhiều độc giả, được sản xuất trong thời gian ngắn và không cần biên tập,” Ferro cho hay.

Trách nhiệm của báo chí

Không thể phủ nhận một thực tế đáng buồn trên thế giới là uy tín của báo chí đang giảm sút trong mắt người dân và ngày càng nhiều người coi truyền thông xã hội là nguồn thông tin chính mỗi ngày. 44% số người tại 26 quốc gia trên thế giới tham gia cuộc khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters thuộc Đại học Oxford gần đây cho biết họ coi Facebook là nguồn tin chủ yếu. Tỷ lệ cho báo in tụt xuống mức thê thảm là 24%.

Nhiều người cho rằng việc để lan tràn tin giả, tin vịt trên mạng Internet trước hết thuộc về trách nhiệm của các nền tảng xã hội như Facebook hay công cụ tìm kiếm như Google. Nhiều chỉ trích đã nhắm vào ông chủ Mark Zuckerberg với 1,7 tỷ người dùng, yêu cầu phải thay đổi thuật toán và thậm chí phải dùng con người để lọc nội dung thay cho máy móc.

Những người khác thì có quan điểm rằng báo chí có vai trò rất nhỏ trong việc ngăn chặn tin giả, bởi người dùng mạng xã hội chủ động chia sẻ những thông tin sai lệch đó và khiến chúng phát tán mạnh mẽ hơn cả thông tin chính thống. Đương nhiên, báo chí cần phải kiểm tra thông tin kỹ càng hơn để tránh rơi vào bẫy của tin giả, tin vịt.

Nhưng cũng từ những tranh luận xem trách nhiệm thuộc về ai trong cuộc chiến chống vấn nạn tin giả mà vai trò “gác cổng” của báo chí lại được nhắc đến nhiều hơn.

Giành lại niềm tin của độc giả là giải pháp giúp giảm thiểu vấn nạn tin giả đang tràn lan.

Cây bàng vuông và hoa phong lan chụp tại Góc Trường Sa ngày 24/09/2015.

Walter Lippmann, nhà văn kiêm nhà báo người Mỹ từng đoạt 2 giải Pulitzer, cùng một số nhân vật khác vào nửa đầu thế kỷ 20 có quan điểm rằng công chúng cần được chỉ dẫn, hướng dẫn, hoặc thậm chí theo những khuôn mẫu nhất định. Quan điểm đó sau này bị cười nhạo, thậm chí bị chỉ trích kịch liệt, nhất là trong thời đại Web 2.0, khi công nghệ digital mang lại sức mạnh để các cá nhân có thể tạo lập nội dung, kết nối, chia sẻ và phát tán những không tin gốc mà không qua bất kỳ bộ lọc nào. Song vấn đề nằm ở chỗ công chúng, sau thời gian đầu hồ hởi với tin tức ngập tràn, đang phải bơi giữa một biển thông tin đầy những nội dung nhiễu loạn, nịnh bợ, bôi xấu, sai lệch, thậm chí bịa đặt. Không ít người thực sự mất phương hướng.

Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân khiến cho sau vụ bầu cử Mỹ, số lượng người đăng ký trả phí để đọc New York Times và Wall Street Journal tăng vọt, số lượng thuê bao Washington Post cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua. Rõ ràng, công chúng vẫn quan tâm đến báo chí chất lượng cao và sẵn sàng trả tiền cho nó.

Facebook đang chật vật đối phó với vấn nạn tin giả được phát tán qua nền tảng này, và đang cố gắng bác bỏ ý kiến cho rằng họ là một nguồn tin tức chứ không chỉ là nền tảng phát hành. Twitter đang nhận thấy nền tảng của họ bị sử dụng như một cơ chế lan truyền sự thù hận và đang phải tìm cách khắc phục nếu không muốn bị mất người dùng và mất cả doanh thu. Và trong khi Google cũng như Facebook tìm cách xử lý về thuật toán cũng như tìm kiếm các giải pháp ngăn chặn tin giả, họ sẽ hiểu rằng phát biểu của Walter Lippmann hoàn toàn đúng. Dù công nghệ có hiện đại thế nào đi chăng nữa thì không ai có thể thay thế những chuyên gia bằng xương bằng thịt trong việc phân tích thông tin, xác định những vấn đề đúng sai nhằm đảm bảo lợi ích của công chúng.

Trong diễn biến mới nhất, Facebook vừa thông báo kế hoạch tuyển dụng nhân sự có ít nhất 20 năm kinh nghiệm để phụ trách lĩnh vực hợp tác với các cơ quan báo chí.

Còn các nhà báo, hãy ngừng đuổi theo mạng xã hội. Hãy tập trung sản xuất nhiều nội dung chuyên sâu chất lượng cao để cung cấp cho xã hội những kiến thức cần thiết và những thông tin đúng sự thực. Giành lại niềm tin của độc giả là giải pháp giúp giảm thiểu vấn nạn tin giả đang tràn lan./.


Tài liệu tham khảo:
Cuộc chiến chống các loại tin tức giả trên mạng Internet, VietnamPlus;
Tin vịt lên ngôi và sự trăn trở ở Phương Tây, BBC;
Fake news: an insidious trend that’s fast becoming a global problem, The Guardian
Xử lý đối tượng tung lên mạng clip sai sự thật về Chủ tịch Quốc hội, VietnamPlus;
Phạt 20 triệu đồng chủ trang Facebook xúc phạm giáo viên Hồng Lĩnh, VietnamPlus;
Sự thật vụ kênh CNN chiếu phim khiêu dâm hạng nặng 30 phút, VietnamPlus;
Vạch trần những câu chuyện tin tức giả mạo vì lợi ích của báo chí, VietnamPlus;
Most Americans Who See Fake News Believe It, Buzzfeed
Vì sao báo chí Mỹ cũng mắc lừa các trang tin tức giả mạo, VietnamPlus;

The 7 worst examples of fake news from the mainstream media,Townhall.com
Hình ảnh đăng trong bài với mục đích làm cho bài đỡ chán chứ không có mục đích gì khác.
Được tạo bởi Blogger.