Hành trình đi tìm ước mơ của cô mụ rừng xanh
Tháng 10 năm 2006, Linh Thị Chiêm ở xã Bom Bo huyện
Bù Đăng tỉnh Bình Phước tốt nghiệp nữ hộ sinh trung học. Cô gái ngày nào đã
được dư luận biết đến như là một người “sinh ra là để làm nghề đỡ đẻ” lại đang
lao đao vì xin việc. Chiêm không mơ mộng cao xa, chỉ muốn trở về địa phương
(Bom Bo) của mình để làm việc vì đó là lời dặn của bác Phượng (Bà Nguyễn Thị
Ngọc Phượng nguyên là giám đốc bệnh viện Từ Dũ - người đã khởi xướng và thực
hiện dự án đào tạo nữ hộ sinh thôn bản cho các tỉnh miền núi và Chiêm nằm trong
top đầu tiên tham gia dự án đó) khi hỗ trợ Chiêm kinh phí để Chiêm theo học nữ
hộ sinh trung học.
Ngáy ấy khi mới tốt nghiệp cấp II,
Chiêm được xã chọn đi vẫn còn ngô nghê vì chưa biết “người ta sinh con ra ở chỗ
nào”. Vậy mà khi kết thúc 3 tháng đào tạo sơ học tại Tù Dũ, trở về địa phương
Chiêm nhanh chóng trở thành “bà mụ” mát tay đón nhiều trẻ thơ chào đời trong
những tình huống thật hy hữu : Khi thì đỡ đẻ trên xe công nông, khi đở đẻ giữa
vườn điều, có khi đang chuyển viện đến cầu thì sản phụ vỡ ối cứ thế là Chiêm
bày luôn ra đường đỡ đẻ, rồi thai ngôi, thai đôi…tất cả những ca này theo quy
định thì những người như Chiêm không được đỡ mà phải chuyển lên tuyến trên. Thế
nhưng dọc được chuyển viện thai phụ đã không chờ nổi và thế là Chiêm xử lý
luôn. Một mình rơi vào những tình huống tưởng chừng như bất trắc có thể xảy ra
bất cứ lúc nào thì Chiêm lại bình tĩnh làm tròn trách nhiệm “bà đỡ” của mình.
Ngày ấy (năm 2002) dư luận không chỉ trong mà ngoài nước (Chiêm được Hiệp hội
người Mỹ gốc Việt tặng giải thưởng “người Việt ưu tú” khi được VTV đến làm
chương trình về Chiêm và phát trên VTV4 cho người Việt Nam ở nước ngoài xem) đã
gọi Chiêm bằng cái tên ưu ái là “cô mụ rừng xanh”. Cũng chính từ những tố chất của
Chiêm đối với nghề này mà giới báo chí và bà Phượng đã khuyên Chiêm nên theo
học cho hết bậc phổ thông và học chuyên lên cao nữa về nghề nữ hộ sinh, có như
thế thì Chiêm mới “có tư cách” để đỡ những ca khó, giúp cho đồng bào ở gần cô
đỡ vất vả và tốn kém khi phải chuyển lên tuyến trên.
Thực hiện mong muốn đó
Chiêm đăng ký đi học bổ túc văn hoá mặc cho họ hàng ngăn cản (lúc đó Chiêm 19
tuổi gia đình bắt Chiêm ở nhà lấy chồng). Trong khi học bổ túc Chiêm tranh thủ
học thêm dược để bổ sung cho nghề nghiệp sau này. Và cô gái chẳng thích phố
phường nhộn nhịp ấy đã phải chia ca ra để đêm đi học văn hoá, ngày đi học dược.
Kết quả là cả hai đều được bằng khá. Có được tấm bằng tốt nghiệp trung học bổ
túc rồi Chiêm thưa chuyện với bác Phượng. Một lần nữa bác Phượng lại khuyến
khích Chiêm đi học nâng cao chuyên môn bằng cách đóng tiền cho Chiêm theo học
trung học nữ hộ sinh với lời dặn “Mai mốt ra trường thì đừng có lấy chồng thành
phố hay thị xã mà phải về Bom Bo phục vụ nhé!”. Trong suốt quá trình theo học ở
trường trung học y tế Chiêm đã là hình mẫu của bạn bè khi dám ôm trong tay một
bà già bị liệt lâu ngày với toàn phân và nước tiểu trên người để làm vệ sinh
cho bà cụ bằng cách lý luận cũng rất nghề “bà ấy phải chịu như vậy mấy tháng
rồi, mình chỉ một lát thôi có sao đâu. Làm nghề này mà sợ dơ thì sao làm
được!”. Có lẽ vì thế mà Chiêm đã bình thản đứng trên đống phân, nước tiểu và
nước ối của sản phụ suốt bốn tiếng đồng hồ vẫn dịu dàng động viên sản phụ đẻ
khi thai nhi bị nhau quấn cổ đến ba vòng. Suốt thời gian đi học Chiêm vẫn về
nhà vào ngày nghỉ để giúp những sản phụ nghèo khó không có điều kiện lên trạm,
chẳng những thế Chiêm còn nhận phần trách nhiệm y tế cộng đồng tại địa phưong.
Cô gái luôn thuộc lời thề Hypocrate ấy đã rất ngạc nhiên khi đi thực tập ở bệnh
viên thấy các bác sĩ và hộ sinh quát nạt bệnh nhân “Người ta đau phải cho người
ta la chứ. Vô lý thật. Trách nhiệm của mình đâu phải là quát tháo bệnh nhân
đâu.”
Tốt nghiệp trung học nữ hỗ sinh bằng
khá. Chiêm hớn hở làm hồ sơ đi xin việc. Ở địa phương từ lãnh đạo đến người dân
ai cũng vui mừng vì từ nay đã lại được có Chiêm ở xã nhà. Thế nhưng con đường
đến trạm xá xã không đơn giản thế. Trưởng trạm cũng rất muốn Chiêm về công tác
ở trạm Bom Bo thế nhưng anh không có trách nhiệm nhận người. Chiêm được hướng
dẫn lên phòng y tế huyện mà phải nhờ mẹ nuôi đang làm trong ngành mới gặp được
trưởng phòng và câu trả lời là Chiêm phải lên tỉnh. Lý do là ông không có tiền
trả lương. Lên sở thì Chiêm không dám. Bởi em trai của Chiêm (Học sinh dân tộc
thiểu số được cử tuyển đi học dược trung học) có quyết định do phó chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh ký hẳn hoi là phân công về công tác tại huyện Bù Đăng. Thế
nhưng khi quyết định đó về đến sở thì em của Chiêm lại bị chuyển đi một xã vùng
sâu ở huyện khác cách nhà đến gần 100 cây số. Bố mẹ Chiêm thì đau yếu liên miên
mà nhà thì không có ai chăm sóc. Kêu mãi rồi đã có đến nửa năm mà lời hứa
chuyển em trai của Chiêm về huyện nhà vẫn chỉ là hứa thôi. Như thế làm sao
Chiêm dám ra xin việc cho mình. Nhưng chẳng lẽ khó khăn nhất là đi học thì đã
làm được rồi, bây giờ lại bỏ đi cả một niềm kỳ vọng không phải chỉ của gia đình
mà của rất nhiều người đặt niềm tin vào Chiêm!. Chiêm lại ra tỉnh, cậy nhờ
những người quen biết xin giùm. Và câu trả lời của giám đốc sở y tế là để họp
tổ chức bàn bạc đã, rồi sẽ trả lời sau.
Bốn tháng sau khi ra trường bạn bè
cùng lớp đều đã đi làm hết rồi. Còn Chiêm với tấm bằng khá muốn bám trụ ở Bom
Bo thì lại phải nai lưng đi làm mì. Công việc thì đã gõ cửa đến tỉnh rồi, biết
phải đi đâu nữa. Lúc Chiêm đi học ai cũng lo sợ Chiêm không về Bom Bo nữa, bởi
với tài năng bẩm sinh ấy Chiêm chẳng khó khăn khi xin việc ở trung tâm. Vậy mà
bây giờ nguyện vọng về địa phương để không bị thất hứa với sự tin tưởng đó sao
khó thế. “Qua tết nếu chưa được nhận chắc em phải xin đi làm không lương ở trạm
Bom Bo để khỏi quên nghề. Chứ công việc này mà bỏ lâu em sợ tay mình sẽ không
còn được như trước nữa.” “Làm như thế không có hợp đồng hay biên chế gì thì đến
khi có người họ đẩy em ra thì biết làm sao?”. Chiêm sựng người, mắt ngấn nước
nhìn xa xăm, chẳng giống với Chiêm mà tôi đã từng gặp khi em tham gia những ca
đỡ đẻ tí nào.
Tác giả: Minh Phước
Viết ngày 30/01/2007.