Header Ads

Header ADS

VTV có dàn cảnh phóng sự phá rừng

Người trực tiếp hạ cây trong phóng sự phá rừng của VTV khẳng định được nhờ đi mượn cưa để cưa hạ cây rừng và được cho tiền. Trong khi đó, VTV phủ nhận dàn cảnh làm phóng sự phá rừng như thông tin Công an Đắk Lắk công bố
Chiều 3-8, đoàn công tác của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk liên quan đến phóng sự phá rừng được phát trong chương trình “Chuyển động 24h” trên kênh VTV1 vào ngày 4 và 5-5.
Bảo vào rừng phòng hộ chặt cây?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sau buổi làm việc, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết hai bên đã trao đổi những vấn đề liên quan đến phóng sự và cần có thời gian rà soát lại những thông tin phóng sự phản ánh. Còn theo một thành viên trong đoàn công tác của VTV thì phía đài vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ việc.
Để có thông tin đa chiều, khách quan về vụ việc, ngày 3-8, chúng tôi đã về thôn Giang Đông, xã Ea Đáh, huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) - nơi có cảnh quay trong phóng sự phá rừng của “Chuyển động 24h”.
Dẫn chúng tôi ra hiện trường cảnh quay, ông Vũ Dũ Dinh, người trực tiếp hạ cây trong phóng sự, kể lại: “Hôm đó, tôi đang ở nhà thì có 2 người đàn ông, 1 người phụ nữ nói là nhà báo đến quay phóng sự. Họ có đặt vấn đề nhờ chúng tôi chặt hạ cây rừng để quay cảnh phá rừng. Khi tôi nói không có cưa thì họ bảo tôi đi mượn. Khi ra đến khu vực nương rẫy cạnh bìa rừng thì họ chỉ tay về khu rừng nguyên sinh bảo tôi sang bên kia chặt. Khi tôi nói rừng bên kia là rừng bảo tồn (rừng phòng hộ huyện Krông Năng - PV) không được chặt thì họ tiếp tục nói sang đó mới có cây to. Tôi từ chối vì sợ bị bắt về tội phá rừng, họ đành nói tôi cưa một cây trong khu nương rẫy. Do lâu ngày không cưa, lưỡi cưa bị cùn nên tôi phải lấy rìu chặt và họ quay lại, phát lên truyền hình cho rằng chúng tôi đi phá rừng. Cháu tôi 10 tuổi họ cũng bảo vác rìu đi theo chặt cây. Sau khi thực hiện xong, vợ chồng tôi được họ đưa cho 500.000 đồng, còn đứa cháu 100.000 đồng”.


Ông Vũ Dũ Dinh bên cây rừng mà ông khẳng định là phóng viên bảo chặt để quay cảnh phá rừng (ảnh trên) và báo cáo của Công an tỉnh Đắk Lắk do Phó Giám đốc Phạm Minh Thắng ký, ghi rõ nội dung phóng sự phá rừng của VTV có cắt ghép, dàn dựng
Trước đó, tại buổi họp báo do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức vào chiều 2-8, đại tá Phạm Minh Thắng - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk - thông tin những người này vào rẫy cưa 1 cây gỗ đã chặt hạ trước đó và 1 cây còn sống để quay phim và phỏng vấn (theo sự hướng dẫn). Cũng theo đại tá Thắng, kiểm tra hiện trường quay phóng sự xác định khu vực này là rẫy của ông Dinh (nằm trong tiểu khu 342A thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng) mà các hộ dân tự ý khai hoang, sản xuất từ năm 1996. Đây không phải diện tích rừng mới khai hoang, bị chặt phá như phản ánh trong phóng sự… Ngoài ra, trong báo cáo của Công an tỉnh Đắk Lắk, khẳng định một số nội dung khác phản ánh không đúng, không khách quan, có sự cắt ghép, dàn dựng của phóng viên khi tác nghiệp.
Có tình trạng phá rừng
Sau khi phóng sự được phát, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Lắk vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc. Trong phóng sự có đề cập đến lực lượng công an nhận tiền bảo kê tại huyện Ea Súp. Tuy nhiên, theo Công an tỉnh Đắk Lắk, qua kiểm tra, rà soát không có trường hợp cán bộ, chiến sĩ của lực lượng CSGT và cảnh sát kinh tế nhận tiền của các đối tượng vận chuyển gỗ lậu như lời người đàn ông nói trong phóng sự. Nhân vật này là ông Lê Thế Hùng (ngụ huyện Ea Súp). Làm việc với Công an tỉnh Đắk Lắk, ông Hùng trình bày: Có 3 người đàn ông và 1 phụ nữ đến nhà đặt vấn đề mua trụ tiêu và cách thức vận chuyển về huyện Cư M’gar. Khi ông nói không có trụ tiêu bán thì nhóm người này hỏi có ô tô 5 tấn muốn vận chuyển trụ tiêu về huyện Cư M’gar thì phải chung chi bao nhiêu tiền. Ông trả lời: Cảnh sát kinh tế 1 triệu đồng, CSGT 1 triệu đồng, kiểm lâm huyện Ea Súp 1 triệu đồng, trạm chốt lâm trường Buôn Ja Wầm 1,2 triệu đồng và kiểm lâm huyện Cư M’gar 500.000 đồng.
Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, ông Hùng từng bị Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp xử lý vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép vào năm 2011, 2014. Cũng trong năm 2014, ông Hùng bị TAND huyện Ea Súp tuyên phạt án treo về tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và từ đó đến nay, ông Hùng không vận chuyển gỗ lậu cũng không chung chi cho các trạm chốt nói trên.
Dù vậy, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng thừa nhận một số nơi phóng sự phản ánh đúng hiện thực về tình trạng phá rừng. Sau khi VTV phát phóng sự, từ ngày 6-5 đến nay, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện xử lý 19 vụ với 22 đối tượng, thu giữ hơn 117 m3 gỗ trái phép; phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện 38 vụ, 36 đối tượng, thu giữ hơn 69 m3 gỗ, 16 ô tô, 22 xe máy độ chế.
VTV phủ nhận
Tối 3-8, VTV đã có phản hồi, khẳng định không dàn dựng cảnh phá rừng để làm phóng sự điều tra phá rừng ở Đắk Lắk. VTV cho biết tại buổi làm việc ngày 3-8 với đại diện Trung tâm Tin tức VTV24, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nói rõ ngay sau khi phóng sự phát sóng, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ những vấn đề đã được nêu trong phóng sự và làm rõ những tiêu cực. Ông Hà khẳng định tại buổi họp báo ngày 2-8, trong báo cáo của ông Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, không có từ nào nói rằng là dàn dựng cả. “VTV đưa tin đúng sự thật, hoàn toàn không có phóng sự nào dàn dựng cả” - VTV trích lời ông Hà.

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Theo: Người Lao Động
Được tạo bởi Blogger.