Header Ads

Header ADS

Một chuyến trải nghiệm đặc biệt

Một chuyến trải nghiệm đặc biệt

Nguồn: Nghề báohttp://nghebao.org/pages/News_details.aspx?id=6379&cat=54

Cuối tháng ba vừa qua tôi may mắn được tháp tùng đoàn công tác của Đài truyền hình TPHCM đi ra nhà giàn Phúc Nguyên 1/15 làm cầu truyền hình trực tiếp “Hát về DK1 thân yêu”.

 Sự thành công của chương trình, nói như Đại tá Trương Công Thế, phó chính ủy vùng 2 Hải quân là “Mỹ mãn”. Còn với tôi, đó là một trải nghiệm thật đặc biệt mà chắc chắn trong cuộc đời làm báo của mình, khó có lần thứ hai.

Trên đường vào đảo Đá Lớn trong chuyến đi khánh thành Công trình Góp đá xây Trường Sa của báo Tuổi Trẻ tháng 5.2012

Ngay trong chiều của ngày ra khơi thì cá heo nổi. Nhiều văn nghệ sĩ reo hò vang cả tàu. Đàn cá rất đông nhảy tung tăng theo tàu rất lâu. Tôi nghĩ, thôi rồi, một chuyến hải trình sóng gió. Thực ra tôi đã đi trường Sa vào dịp tết, lúc đó sóng gió cấp 8 cấp 9 mà tôi vẫn khỏe re nên tôi không sợ say nhưng chắc chắn Đoàn sẽ rất vất vả. Bởi không chỉ có con người mà còn có cả chục tấn thiết bị phải đưa lên nhà giàn, và con tàu – một trong những sân khấu của chương trình sẽ khó mà thăng bằng khi có sóng lớn. 

Đúng ngày đưa văn nghệ sĩ và kéo cáp quang qua nhà giàn thì sóng lớn. Trong lúc thả xuồng một thủy thủ đã bị sóng đánh tung ra biển. Anh không thể bơi vào vì sóng quá mạnh. Rất may là sau đó đồng đội của anh đã cứu được anh lên và hạ được xuồng an toàn. Ngồi trên xuồng chuyển tải để vào Nhà giàn mà các nghệ sĩ bị nước biển tạt vào xuồng ướt cả người và vali phục trang đem theo. Đến Nhà thì lại không thể lên bằng đường cầu thang bình thường, tất cả phải đu dây lên. Cứ tưởng tượng biển thì mênh mông, sóng dập xuồng không một giây tĩnh lặng, nước biển đánh vào chân nhà giàn trắng xóa, sơ xuất một tích tắc thì tai nạn khôn lường sẽ xảy ra. Lúc ấy, người ở nhà giàn và thủy thủ ở xuồng hợp đồng tác chiến chặt chẽ đến từng giây để kéo người lên giàn an toàn. 

Dưới biển thì sóng lớn, còn trên giàn thì trời mưa. Các kỹ thuật viên của Đài phải triên khai công việc trên một không gian chênh vênh giữa biển, bốn bề gió lộng, sàn nhà lép nhép hơi muối…tất cả những thứ đó không nguy hiểm bằng nguy cơ bị điện giật luôn thường trực. Bởi, Nhà giàn làm bằng sắt, hơi muối do gió biển đưa lên và cả nước mưa đều có thể dẫn điện. Mà hôm ấy có đến …12 cái máy phát điện được chuyển lên nhà giàn phục vụ cho chương trình. Và không ai dám đảm bảo là điện không bị rò rỉ khi dây dẫn nằm hết dưới sàn. Đó cũng chính là lý do khi mưa giông ập đến trong lúc chạy tổng duyệt chương trình điện bị ngắt mất 15 phút. Chỉ 15 phút thôi nhưng khi cầu đang chạy thì đó là gãy cầu, là thất bại. Với chương trình này thì từng con người tham gia đoàn công tác đều hiểu là không thể thất bại. Chỉ có 3 tiếng đồng hồ diễn ra chương trình nhưng hơn 130 con người phải lênh đênh trên biển 8 ngày, 7 đêm trong sóng gió. Nguy hiểm đến tính mạng luôn cận kề. 

Cùng các thành viên tham gia đoàn công tác Hát cùng DK1 thân yêu 
trên tàu HQ996

Và …tôi đã quay được hình ảnh nửa đêm, giữa không gian bốn bề gió lộng, lạnh thấu xương trên sàn của Nhà giàn Phúc Nguyên, đội ngũ kỹ thuật của Đài truyền hình TPHCM đã đeo đèn pin để làm việc. Bởi họ không có thời gian để chậm trễ hơn khi có quá nhiều tình huống bất ngờ do thời tiết mang lại trong quá trình thực hiện cầu. Cũng bởi sóng quá lớn nên sân khấu trên con tàu HQ996 luôn chòng chành với biên độ cao. Diễn viên không thể đứng hát một cách bình thường, khách mời phải bám vào lan can tàu để giao lưu, ghế khán giả ngồi bị xô qua xô lại từng hàng. Trước giờ lên sóng chính thức vài tiếng đồng hồ Ban tổ chức quyết định đưa tiếp một số tiết mục cùng thiết bị lên nhà giàn. Diễn viên hài Hoàng Sơn kể cho tôi nghe tình huống anh vượt biển qua Nhà giàn có lúc xuồng muốn lật úp. Rồi anh kết luận “Ghê thật!”.

Thế nhưng ngày lên sóng chính thức thì trời lại đẹp, không mưa dù sóng biển vẫn cao. Nhìn con tàu HQ996 chao nghiêng qua ống kính máy quay tôi thấy thương và cảm phục mọi người ở tàu vô cùng!
Có lẽ, trải qua những giây phút mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc người ta dễ đồng cảm và yêu thương nhau nhiều hơn. Tuy con tàu không ngừng lắc lư, chòng chành nhưng các văn nghệ sĩ ngày nào cũng tập trung xuống nhà bếp rồi lên ca bin đàn hát cho thủy thủ nghe. Ngoài những người bạn đáng mến tôi từng quen trong những chuyến đi biển cùng trước đó như ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, Hạnh Nguyên, Thụy Vân, nghệ sĩ Cao Thúy Vy thì đợt này tôi đặc biệt ngưỡng mộ Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng. Dù đi lần đầu nhưng chị ấy không bị say sóng, và chị ấy luôn là điểm tựa cho đàn em trong việc vượt qua khó khăn và làm cho từng khoảnh khắc ở trên tàu đều ấn tượng, ý nghĩa và thú vị.

Đi Trường Sa và Nhà giàn nhiều lần nhưng với tôi hình như chuyến đi nào cũng có rất nhiều điều mới mẻ, thú vị mà tôi không thể bỏ qua bất cứ tình huống nào trên biển. May mắn cho tôi là không bị say sóng nên hầu như lần nào đi tôi cũng không ở trong phòng mà chạy tung tăng chỗ này chỗ kia để tìm hiểu, nghe ngóng và quay, chụp. chuyến đi này tôi có một sự cố là trước khi đi nửa ngày tôi bị té xe. Chân bị trầy xước chút đỉnh, tôi đã giấu mọi người về chuyện này để mọi người khỏi lo lắng nhưng khi lên tàu do tôi di chuyển nhiều nên có lúc chân bị sưng to, nhìn hơi ghê. 

Nhà báo Minh Thùy tại nhà giàn Ba Kè 1.21 tháng 8.2009

Mặc dù vậy, tôi vẫn không thể nằm yên trong phòng của mình như lời bác sĩ theo đoàn được. Cứ ngồi một chút xíu thấy êm êm là tôi lại đeo máy quay và máy chụp hình ra ngoài xem mọi người đang làm gì? Và tác nghiệp. Tôi xin lên nhà giàn và cũng dạo khắp nơi để cập nhật thông tin. Bởi tôi nghĩ, đi có mấy ngày, nếu không tranh thủ tìm hiểu và cảm nhận thì không thể nào viết bài có cảm xúc được. Làm truyền hình (tôi làm ở phòng truyền hình của báo Tuổi Trẻ) còn phải có hình ảnh mới nói được nên làm sao tôi có thể ngồi yên?! 

Có một điều tôi phải nói rằng, tôi rất biết ơn Đoàn công tác, bởi vì cả đoàn từ thành viên tới lãnh đạo không một ai cho tôi cảm giác tôi là “gánh nặng” của đoàn khi đã đem cái chân bị nạn lên tàu. Ai cũng dành cho tôi những tình cảm ưu ái nhất, tạo cho tôi điều kiện tốt nhất để tôi tác nghiệp. Với người làm báo, đó là một điều hạnh phúc!


Minh Thùy
Được tạo bởi Blogger.